GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, GS.TS Đặng Kim Chi, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ đồng chủ trì hội thảo. Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho biết, nước ta là một trong những nước chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, việc ứng phó, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu là rất cần thiết đối với cộng đồng.
Tại hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ - Trung tâm Khoa học, Công nghệ Khí tượng, Thủy văn và Môi trường cho rằng, Biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp và gián tiếp đến đời sống con người.
Cụ thể: Những tác động do tính cực đoan tăng lên của những thiên tai (bão, lũ lụt, sạt lở đất, áp thấp nhiệt đới…) và thời tiết cực đoan (nắng nóng, rét đậm, rét hại, mưa lớn...) đôi khi không lường hết được, dẫn đến hậu quả vô cùng thảm khốc xảy ra trong chốc lát nhưng để lại hậu quả lâu dài đối với tính mạng, sinh kế và tài sản của con người.
Những khu vực có nhiều rủi ro nhất là các vùng đất thấp ven biển, hải đảo, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc ít người, các cộng đồng dân cư nghèo khổ.
Bên cạnh đó, nhiệt độ trung bình không ngừng tăng lên với tốc độ ngày càng cao trong những năm gần đây dẫn đến thay đổi cơ bản về nền nhiệt độ, về mùa khí hậu trong tương lai, kéo theo nhiều hệ lụy như làm giảm tính đa dạng sinh học, thay đổi mùa, vụ sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng và vật nuôi, làm gia tăng thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe con người.
Trong tình trạng biến đổi khí hậu vẫn đang tiếp diễn ngày một xấu đi cần phải có sự chung tay góp sức của toàn thế giới và cộng đồng. Theo các nhà khoa học, một trong những cách thức để ngăn chặn biến đổi khí hậu là nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh tế toàn cầu theo hướng cắt giảm lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính;
Chi phí cho việc khắc phục biến đổi môi trường lớn hơn nhiều so với chi phí chuyển dịch kinh tế, thay vì đối phó với biến đổi khí hậu có thể lựa chọn phương án tối ưu là thay đổi để tình trạng ô nhiễm môi trường không diễn ra; Đối với mỗi cá nhân, cần hạn chế sử dụng các đồ, vật liệu không thể tái sử dụng. Bảo vệ môi trường từ trong mỗi gia đình chính là cách hiệu quả nhất.
Cũng trong hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo tham luận của các đơn vị quản lý về các nội dung như: Biến đổi khí hậu và cuộc sống; Nhận biết tác động của biến đổi khí hậu đến vùng đồng bằng sông Hồng;
Công cụ truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu; Kinh nghiệm triển khai thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên thế giới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến, thảo luận về công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho cộng đồng.