Tìm giải pháp nói không với rác thải nhựa

GD&TĐ - Rác thải nhựa luôn là mối đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống. Làm thế nào để loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi đời sống, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

Giới khoa học đã cảnh báo, khi bạn vứt một mẩu rác nhựa ra môi trường, nó phải mất 450 năm để tiêu hủy hoàn toàn
Giới khoa học đã cảnh báo, khi bạn vứt một mẩu rác nhựa ra môi trường, nó phải mất 450 năm để tiêu hủy hoàn toàn

1,8 triệu tấn rác nhựa thải ra môi trường mỗi năm

Việt Nam được nhận định là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người cũng tăng nhanh chóng từ 3,8 kg/năm/người vào năm 1990 và năm 2018 lên tới 41,3 kg/năm/người.

Nhập khẩu phế liệu nhựa vẫn tăng theo cấp số nhân, tính đến hết tháng 9/2018 là 175.000 tấn, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương cho biết tại Hội thảo khoa học Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong quản lý rác thải nhựa đại dương do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, chỉ tính riêng Hà Nội và TPHCM, mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Theo PGS Hương cho biết, rác thải nhựa là một loại tài nguyên quý giá khi biết tái chế và sử dụng nó.

Tuy nhiên, việc tái chế rác thải không nên được thực hiện ở quy mô làng nghề vì cơ chế kiểm soát rất khó khăn. Đồng thời, việc tái chế ở các làng nghề sẽ ảnh hưởng đến môi trường, gây độc hại cho chính những người lao động ở các làng nghề này cũng như người dân địa phương.

Do đó, cần tập trung khuyến khích các hoạt động tái chế rác thải nhựa để đảm bảo các vấn đề xã hội, giải quyết việc làm nhưng phải đảm bảo môi trường.

Nếu tái chế 1 tấn nhựa sẽ tiết kiệm 3,8 thùng dầu thô; nếu tỷ lệ tái chế đạt 75%, sẽ tương đương với việc giảm được lượng khí thải của 55 triệu ô tô đi lại trên đường. Cả nước có 2.200 doanh nghiệp sản xuất nhựa, 90% không chủ động được nguồn nguyên liệu hầu như nhập khẩu hoàn toàn.

“Làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (Văn Lâm – Hưng Yên) có 725 hộ sản xuất tái chế nhựa, với 6.400 lao động. Hàng ngày sản xuất tái chế khoảng 600 - 650 tấn chất thải nhựa tức là một ngày khoảng 1.000 tấn hầu hết phế liệu có nguồn gốc từ nước ngoài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, PGS Hương nhấn mạnh.

Hiện nay, một cuộc “chạy đua” chống rác thải nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần, cũng đã bắt đầu ở Việt Nam, khởi đầu từ các thành phố lớn.

Tuy nhiên ở đây có một vấn đề đặt ra: Giải pháp nào là bền vững với việc thay thế đồ nhựa dùng một lần? Liệu có giải pháp đang được sử dụng rộng rãi là thay thế đồ nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy sinh học hoặc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy hoặc túi vải bông… đã là tối ưu?

Giải pháp nào là tối ưu?

Theo PGS Hương, giải pháp thay thế nhựa dùng một lần phải đảm bảo được các yếu tố như nguyên liệu sẵn có, giá đủ rẻ để được thị trường chấp nhận và sau khi thải loại, ít gây hại cho môi trường… Theo tiêu chuẩn đó thì các giải pháp hiện hành này đều không thân thiện với môi trường.

Vì sao có chuyện ngược đời như vậy? Hãy nhìn vào thành phần nguyên liệu và chu trình sản xuất của nó, ví dụ để chế tạo các sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy sinh học hoặc các sản phẩm thay thế nhựa, người ta phải canh tác, tức là phải phá bỏ thảm thực vật tự nhiên và hệ sinh thái liên quan tới nó, sử dụng nhiều loại phân hóa học, thuốc trừ sâu... Tất cả các hoạt động như vậy đều dẫn tới thoái hóa đất và ô nhiễm môi trường.

Theo các kết quả của một nghiên cứu gần đây do Cục Môi trường Anh tài trợ, việc sản xuất túi giấy hoặc túi bằng vải bông thậm chí còn tốn nhiều nước và năng lượng hơn rất nhiều so với túi nhựa.

Mặt khác, phải tái sử dụng túi giấy ít nhất là 3 lần mới đảm bảo được khả năng tác động môi trường (sử dụng nước, năng lượng và phát thải khí nhà kính) bằng hoặc thấp hơn túi nhựa. Đối với túi vải bông, con số này là 131 lần.

Một thực tế là có rất nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần không thể thay thế được bằng các sản phẩm khác. Ví dụ, khó thay thế chai nhựa đựng dung dịch tiêm truyền bằng chai thủy tinh vì chai thủy tinh có giá thành cao, khó vận chuyển và khi sản xuất, xử lý có tác động môi trường còn lớn hơn chai nhựa.

Hơn nữa, đã có các nghiên cứu cho rằng, việc sử dụng nguyên liệu là các chất hữu cơ dễ phân hủy để sản xuất bao bì sẽ làm giảm chất lượng thực phẩm và có thể tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho người sử dụng.

Không chỉ ảnh hưởng xấu tới môi trường mà rác thải nhựa còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Nhựa sẽ tan chảy trong khoảng nhiệt độ từ 70 – 800 độ C và hòa vào thực phẩm, đi vào cơ thể của con người.

Những chất độc đó tích lũy lâu ngày sẽ gây ra các bệnh vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt, trong nhựa có chứa một chất độc hại là DOP. Chất độc này có thể gây ảnh hưởng giới tính ở các bé trai và gây vô sinh ở các bé gái.

Giới khoa học đã cảnh báo, khi bạn vứt một mẩu rác nhựa ra môi trường, nó phải mất 450 năm để tiêu hủy hoàn toàn. Nói cách khác, phải trải qua rất nhiều thế hệ để một mảnh vật liệu nhựa tan biến.

Ngoài ra, nhựa còn lẫn vào nước, ngăn chặn khí oxy làm cho các sinh vật dưới nước không thể hô hấp được. Hoặc chúng có thể bị các sinh vật như cá nuốt vào và có rất nhiều khả năng con người sẽ ăn nhầm phải và nhiễm độc.

Hiện nay, người ta vẫn dùng cách đốt hoặc chôn lấp rác, đều chỉ giải quyết trước mắt chứ không phải là giải pháp thật sự hữu ích. Dùng công nghệ để xử lý rác, trong đó có rác thải nhựa cần được đẩy mạnh hơn, cho dù mức đầu tư sẽ cao hơn. Nhưng vì cuộc sống của con người thì điều đó vẫn thực sự cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ