Năm 2023 có 487 học viên tham gia lớp xoá mù
Hằng năm, Huyện ủy, UBND, HĐND huyện Sơn Động luôn coi trọng, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục toàn huyện, thường xuyên quan tâm lãnh chỉ đạo công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên địa bàn.
UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiện toàn, bổ sung thành phần ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, xây dựng kế hoạch thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2023.
Đưa mục tiêu, nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vào Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thực hiện lồng ghép các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch của địa phương nhằm huy động mọi nguồn lực để thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2023.
UBND huyện chỉ đạo Phòng GD&ĐT và các phòng ngành liên quan phối hợp hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ. Chủ trì, tham mưu với Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của huyện triển khai thực hiện kế hoạch, theo dõi việc duy trì thực hiện Phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của các đơn vị; hướng dẫn các đơn vị về quy trình và thủ tục hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn Phổ cập giáo dục, xoá mù chữ.
Ông Chu Bá Hưng – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Động (Bắc Giang) cho biết: “Đối với Phòng GD&ĐT, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân dân về công tác xóa mù chữ; tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia để tạo tiền đề cho việc thực hiện phổ cập giáo dục, xoá mù chữ đạt hiệu quả cao.
Phòng trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường về thực hiện chuyên môn nghiệp vụ đối với công tác xoá mù chữ; theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện. Kịp thời rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các đơn vị trong quá trình thực hiện dạy lớp xoá mù chữ.
Nhờ đó mà năm 2023, chúng tôi có 260 học viên được công nhận hoàn thành xoá mù chữ và mở được 21 lớp xoá mù chữ với 487 học viên”.
Phòng GD&ĐT huyện Sơn Động cũng tăng cường biện pháp tuyên truyền. Ảnh NVCC. |
Tăng cường tuyên truyền
Ngoài việc chú trọng vào công tác đào tạo, huyện Sơn Động còn yêu cầu Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện tích cực tuyên truyền để toàn thể nhân dân địa phương có nhận thức đầy đủ và có trách nhiệm tham gia thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xoá mù chữ.
Thường xuyên thông tin cập nhật tình hình và kết quả đạt được về công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của các xã, thị trấn trên hệ thống phát thanh và truyền hình.
Kiện toàn ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ phù hợp với thực tế địa phương; phân công cụ thể cho cán bộ phụ trách công tác điều tra, tổ chức rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn, điều kiện, nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục, xoá mù chữ một cách vững chắc.
Đối với các xã, thị trấn có đối tượng người mù chữ, xây dựng kế hoạch mở lớp xóa mù chữ; chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn tổ chức tuyên truyền phổ biến kế hoạch mở lớp xóa mù chữ tới cộng đồng; phân công cán bộ, giáo viên phối hợp với các tổ chức chính trị địa phương vận động người dân trong danh sách mù chữ ra lớp học xoá mù chữ.
Thành lập Đoàn tự kiểm tra đánh giá và lập hồ sơ đề nghị UBND huyện kiểm tra công nhận kết quả thực hiện phổ cập giáo dục, xoá mù chữ năm 2023.
Bên cạnh thuận lợi, công phổ cập giáo dục, xoá mù chữ ở huyện Sơn Động còn một số khó khăn như đời sống nhân dân còn khó khăn nên việc thực hiện xã hội hoá các nguồn lực đầu tư cho công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ còn nhiều hạn chế.
Theo đó, Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương để đáp ứng yêu cầu theo lộ trình đã xây dựng.
Chỉ đạo việc điều tra, cập nhật thông tin trẻ trong các độ tuổi đi học, dân số trong độ tuổi từ 15 đến 60 và thiết lập hệ thống hồ sơ sổ sách quản lý và theo dõi, chính xác, khoa học.
Linh hoạt trong việc lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức dạy học lớp xoá mù chữ phù hợp với từng nhóm đối tượng học viên, phù hợp với thực tế từng địa phương.
Huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) có 30 dân tộc sinh sống, trong đó chủ yếu là Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Dao, Sán Chay,…. Người dân tộc thiểu số chiếm gần 57% dân số toàn huyện.