Hội thảo do Trường Đại học Trà Vinh phối hợp với Viện công nghệ Châu Á (AIT) tổ chức, thu hút trên 150 đại biểu là các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các đại học, lãnh đạo các địa phương trong vùng tham dự.
Phát biểu khai mạc của TS. Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Trà Vinh - cho biết: Biến đổi khí hậu đã tạo ra nhiều thách thức cho dân cư có sinh kế ở khu vực nông thôn, sự thay đổi thời tiết, nhiệt độ và lượng mưa cực đoan đã ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng, mà khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một điển hình trước mắt.
Hội thảo lần này là cơ hội để các đại biểu làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, trồng trọt và chăn nuôi những nhà hoạch định chính sách địa phương nghe và thảo luận trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực thích ứng biến đổi khí hậu với những thách thức, giải pháp cụ thể để làm rõ hơn trong chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu hiện nay.
Các vấn đề biến đổi khí hậu được đặc biệt quan tâm như: Tăng cường kiến thức, nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và các giải pháp thích ứng; tạo cơ hội để các thành viên tham gia chia sẻ kinh nghiệm thực tế về câu chuyện thích ứng biến đổi khí hậu; Hỗ trợ cư dân địa phương tiếp cận các công cụ đơn giản để dự báo và xác định biến đổi khí hậu theo các ưu tiên và nhu cầu của cộng đồng.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân - Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước - nêu ra những thách thức mà ĐBSCL phải đối diện trong thời gian tới là thách thức khu vực và thách thức từ chính sự khai thác đồng bằng. Các thách thức này không tác động riêng lẻ mà cùng nhau và liên hoàn tác động, nhân lên hậu quả của các tác hại liên quan tới sự phát triển bền vững của đồng bằng.
Đồng quan điểm trên, nhiều diễn giả cũng nêu ra các giải pháp thích ứng biến đổi khi hậu phù hợp với điều kiện tự nhiên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt tại Trà Vinh. Các giải pháp gồm: Phát triển năng lượng tái tạo; Hệ thống tưới và tiết kiệm tự động; mô hình nuôi trồng thuỷ sản dưới tán rừng ngập mặn; mô hình VACB, thâm canh hợp sinh thái...
Hội thảo cũng đi sâu thảo luận các vấn đề đi tìm minh chứng trực quan sinh động về biến đổi khí hậu, các tác động của biến đổi khí hậu và các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu như: cách ứng phó của cộng đồng (thích ứng, phục hồi, giảm thiểu) ứng dụng GIS/điện thoại thông minh, diễn giải các phần mềm như thời tiết, thị trường, tư vấn...
Đặc biệt là bài tham luận về sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu của TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phân RYNAN đã thu hút nhiều đại biểu quan tâm. Đây là vấn đề nông nghiệp sạch đã được nhiều nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển thực hiện và cũng là quan tâm hàng đầu của nông nghiệp Việt Nam.
TS. Trương Văn Hiểu - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển cộng đồng – Đại học Trà Vinh - trình bày các chiến lược giảm Mê tan trong chăn nuôi gia súc nhai lại ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó có giải pháp cải thiện chất lượng giống và cải tiến năng suất vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hoà - Phó Giám đốc AIT, Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các cơ quan chức năng có trách nhiệm tìm ra các giải pháp phù hợp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về thích ứng biến đổi khí hậu.
Thông qua hội thảo sẽ giúp AIT và Đại học Trà Vinh tổng hợp những ý kiến phân tích của các chuyên gia, đưa ra giải pháp cụ thể, phù hợp nhằm hỗ trợ cư dân địa phương tiếp cận các công cụ đơn giản để dự báo và xác định biến đổi khí hậu theo các ưu tiên và nhu cầu của cộng đồng.
Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi những tiềm năng hợp tác phát triển ngành nghề thích ứng biến đổi khí hậu ở Trà Vinh nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.