Bên cạnh việc ký kết hợp tác giữa các đơn vị, chương trình giao lưu văn hóa, hoạt động thiện nguyện giữa SV các trường và SV Hàn Quốc vừa qua đã để lại dấu ấn hữu nghị trong lòng người dân và SV vùng đất Tây Đô và làm thay đổi suy nghĩ trong nhiều người về thế hệ trẻ…
Những niềm vui bất ngờ
Tết Nguyên đán 2016 đã qua nhưng dư âm còn vẹn nguyên trong căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Trần Hữu Tài và chị Lê Thị Ngọc Thơ (phường Long Tuyền, Bình Thủy, Cần Thơ).
Sau 12 năm sống trong căn nhà ọp ẹp, xuống cấp, giờ đây, anh chị được đón Tết trong căn nhà mới khang trang do nhóm SV tình nguyện của hai Trường ĐH Soon Chun Hyang (Hàn Quốc) và Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ cùng xây tặng tháng 1/2016.
An cư lạc nghiệp, có nhà vững chãi càng tạo thêm động lực để vợ chồng anh Tài phấn đấu làm việc để cuộc sống sung túc hơn, các con có điều kiện học hành đến nơi đến chốn.
Nỗi niềm này không chỉ của riêng vợ chồng anh Tài mà còn là lòng tri ân của cô Nguyễn Thị Lang và chú Trần Văn Cao (ngụ tổ 8, khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, Bình Thủy) khi được nhóm SV tình nguyện của hai trường xây tặng nhà mới.
Là hộ cận nghèo ở địa phương, cô chú đã lớn tuổi, mất sức lao động, thu nhập chính của gia đình chủ yếu từ nghề phụ hồ không thường xuyên của hai con trai.
Khi biết được nhóm SV hỗ trợ xây nhà mới, cô chú rất mừng và xúc động. Đây là một trong chuỗi hoạt động tình nguyện của SV hai trường (sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh tiểu học, tặng quà cho trẻ ở Mái ấm Thiên Ân…) vào đầu tháng 1/2016.
Theo thầy Lương Thành Siêu - Hiệu trưởng Trường Dạy trẻ Khuyết tật Cần Thơ, trường có 114 học sinh khiếm thính, khiếm thị bậc THCS và THPT.
Những ngày SV Hàn Quốc giao lưu với học sinh của trường, tuy bất đồng ngôn ngữ nhưng đã chuyển tải thông điệp yêu thương qua hành động thiết thực, ý nghĩa nên học sinh rất thích giao lưu, tạo sân chơi bổ ích sau những giờ học.
Bên cạnh đó, SV tình nguyện rất nhiệt tình, vui vẻ, không ngại khó khi dọn dẹp và sơn tường nghệ thuật ở khu nội trú học sinh, ghi dấu nét văn hóa Hàn trong khuôn viên trường.
Hội nhập để phát triển
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các trường và nhà tuyển dụng cho biết, phần lớn SV trang bị khá tốt kiến thức chuyên môn nhưng lại hạn chế kiến thức xã hội, kỹ năng mềm. Do đó, các hoạt động giao lưu văn hóa, phong trào thiện nguyện ở các đơn vị sẽ giúp SV cọ xát thực tế và trưởng thành hơn.
Bạn Nguyễn Tôn Cẩm Tú - Sinh viên Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, bộc bạch: “Có tên trong đội tuyển Olympic tiếng Anh của trường nên tôi thuận lợi khi tham gia hoạt động tình nguyện với các bạn SV Hàn Quốc.
Tính tôi vốn rụt rè, e ngại trong giao tiếp nhưng khi tham gia các hoạt động từ thiện khoảng 10 ngày, tôi thấy dạn dĩ hơn; nhất là nâng cao kỹ năng mềm, vốn từ ngoại ngữ. Bản thân cần phấn đấu học tập, rèn luyện nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu xã hội”.
Theo các SV tình nguyện tham gia Tuần lễ Giao lưu văn hóa Việt - Hàn, qua chương trình không chỉ nâng cao kỹ năng mềm, vốn ngoại ngữ mà giúp SV hai trường hiểu hơn về nền văn hóa, đất nước và con người xứ sở Kim Chi, cũng như vùng đất Tây Đô.
Bạn Sung JiHee, đội trưởng nhóm văn hóa SV Hàn Quốc, cho biết: “Nền văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam có nét tương đồng. Các bạn SV nhiệt tình, thân thiện và hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong thời gian tham gia hoạt động tình nguyện.Khi về Hàn Quốc, tôi sẽ chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích, nét văn hóa Việt để các bạn hiểu thêm về xứ sở yên bình này”.
Còn theo bạn Trần Thị Bích Trâm, SV Trường ĐH Cần Thơ, hoạt động tình nguyện giúp các bạn có thêm nhiều bạn bè, hiểu biết phong tục tập quán, nét văn hóa của đất nước Hàn Quốc.
Có thể nói, hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các cơ sở giáo dục ĐH nên lãnh đạo các trường quan tâm đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động này.
Nét nổi bật trong hoạt động hợp tác quốc tế gần đây của các trường là chương trình giao lưu SV, giảng viên với nước bạn. Thông qua các hoạt động này, SV Cần Thơ có thể tiếp cận nhiều thông tin trong khu vực và thế giới để có cơ hội phát triển bản thân cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế.
PGS.TS Lê Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - cho biết: “Tháng 11/2015, trường thành lập Trung tâm Hàn Quốc học và Viện Vua Sejong Cần Thơ, nhằm đáp ứng vai trò giao lưu quốc tế nói chung và đất nước Hàn Quốc nói riêng.
Đợt giao lưu giữa SV hai trường vừa qua là cơ hội tốt cho các bạn hiểu biết hơn về ngôn ngữ, văn hóa nghệ thuật của Hàn Quốc và Việt Nam”.
Theo Th.S Trang Vũ Phương - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, chương trình tình nguyện của SV Hàn Quốc và của trường là hoạt động hợp tác đầu tiên giữa trường và Trường ĐH Soon Chun Hyang.
Thông qua hoạt động này, các đơn vị thuộc trường có thêm kinh nghiệm hợp tác, cán bộ giảng viên nhà trường có cơ hội giao lưu, học hỏi.
Đồng thời chương trình giúp nâng cao nhận thức về những hoạt động tình nguyện, đóng góp cho cộng đồng và trau dồi kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm của SV, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, hội nhập quốc tế.
Thạc sĩ Phương nhấn mạnh: “Trường tiếp tục thực hiện các hợp tác trong bản ghi nhớ ký kết với các đối tác. Đồng thời trường mở rộng, hợp tác với các trường, tổ chức nước ngoài để trao đổi học thuật, giảng viên, SV, tổ chức hội thảo nghiên cứu khoa học, chuyên đề quốc tế… góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo”.