(GD&TĐ) - Cho đến thời điểm này, đã 6 năm kể từ khi Bộ GD&ĐT ban hành QĐ số 43/2007 quy định đào tạo ĐH theo hệ thống tín chỉ ở các trường ĐH trong cả nước. Bên cạnh những lợi ích thiết thực, vẫn còn không ít những khó khăn, tồn đọng mà nếu thiếu sự vận hành tích cực hơn trong quản lý sẽ dẫn đến tình trạng “ tín chỉ nửa vời”.
“Vỏ tín chỉ, ruột niên chế” do đâu?
Qua thăm dò đội ngũ ở nhiều trường đại học trên địa bàn miền Trung, phần đông cho rằng, việc đào tạo tín chỉ vẫn còn ở dạng nửa vời, do còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tại nhiều hội nghị, hội thảo của các trường đại học đánh giá kết quả cũng như đúc rút kinh nghiệm đào tạo theo hệ thống tín chỉ, những khó khăn, trở ngại được nêu ra là: Sự thiếu đồng bộ về cơ sở phòng ốc, thiết bị, giáo trình dạy học phù hợp với tín chỉ; việc xây dựng kế hoạch, khâu quản lý SV phức tạp; khâu chấm điểm, đánh giá còn nhiều lúng túng khi phải thực hiện một quy chế hoàn toàn mới; GV còn đảm nhận nhiều giờ và chưa đồng đều về năng lực nên hạn chế tính chọn lựa của SV…
PGS.TS Trịnh Thị Định - Đại học Huế cho rằng: “Việc tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình giảng dạy theo đề cương của từng học phần đồng thời đòi hỏi giảng viên phải luôn dành thời gian cập nhật kiến thức để chuẩn bị cho các buổi lên lớp là một bài toán nan giải của phần lớn giảng viên hiện nay.”.
Hoạt động dạy – học theo tín chỉ được tổ chức theo 3 hình thức lên lớp, thực hành và tự học. Ba hình thức tổ chức dạy học này tương ứng với 3 giờ tín chỉ: giờ tín chỉ lên lớp, giờ tín chỉ thực hành và giờ tín chỉ tự học. Phương pháp dạy học coi người học là trung tâm, phát huy năng lực chủ động, sáng tạo của người học thể hiện rất rõ; GV sẽ phải thay đổi kiểu lối dạy thầy đọc trò chép khá phổ biến trước đây, rút được 1/3 thời gian lên lớp nhưng tăng thời gian chuẩn bị cho giờ giảng.
Thời gian lên lớp của SV cũng giảm được trên 1/2, trong khi lượng kiến thức không giảm và còn được nâng cao các kỹ năng cần thiết khác. Liệu GV có kịp thời đáp ứng được yêu cầu của PP giảng dạy mới hay không?
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn và ThS Nguyễn Bắc Nam –Ban đào tạo Đại học Đà Nẵng đã cho một ý kiến khá xác thực: “Phần lớn các cán bộ giảng dạy của ĐH Đà Nẵng được tuyển dụng từ các SV xuất sắc của trường. Họ có trình độ chuyên môn và năng lực tư duy tốt. Song PP giảng dạy truyền thống của người thầy trước đó đã ăn sâu trong nhận thức và rất khó thay đổi. Hơn nữa, phần lớn CBGD (ngoại trừ các CBGD của ĐH Sư phạm và ĐH Ngoại ngữ) không hoặc ít được đào tạo về phương pháp dạy- học, lý luận về dạy học ở các trường đang rất ít được quan tâm”.
Với những CBGD có năng lực mà còn gặp trở ngại, khó khăn như vậy, huống gì ở một số trường đại học hiện nay còn một bộ phận GV (kể cả CBQL) do tuổi tác, do“sức ỳ” trở nên “xơ cứng”, lên lớp vẫn quen với một kiểu xào xáo giáo trình, tài liệu. Từ những bất cập này, kéo theo hệ quả thụ động học tập trong sinh viên là tất yếu.
Cải tiến phương thức quản lý đào tạo
Đào tạo theo tín chỉ sẽ đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội Ảnh: T.Thanh |
Theo TS Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Đại học Huế, thì “một thách thức lớn nhất đặt ra cho các đơn vị tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ là phải có được một đội ngũ cán bộ quản lý sinh viên được đào tạo bài bản, tinh thông nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu của môi trường mới”…
Ý kiến này thật xác đáng, bởi một khi thay đổi phương thức đào tạo thì tất yếu là phải thay đổi phương thức quản lý. Phương thức quản lý không còn dựa vào cấp vĩ mô mà phải chuyển sang quản lý vi mô, lấy việc quản lý từng cá nhân người học làm trung tâm.
Cụ thể: phương thức quản lý SV theo kiểu truyền thống là tổ chức các lớp học niên chế thông qua giáo viên chủ nhiệm, nay có thêm các lớp học tín chỉ yêu cầu phải xây dựng hệ thống cố vấn học tập thay cho hình thức GV chủ nhiệm. Vai trò giáo viên cố vấn học tập (GVCVHT) ở từng khoa hết sức quan trọng khi phải hướng dẫn phương pháp tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo của SV, chứ không phải chỉ đơn thuần là nắm bắt tình hình để đánh giá, nhắc nhở như vai trò của GVCN.
Với học theo tín chỉ, ngay từ trong hè, học sinh đã phải tự sắp xếp chương trình học tập, tự tìm thầy dạy, chọn môn nào học trước, môn nào học sau để không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Do bỏ điều kiện dự thi (không còn khái niệm ở lại lớp), SV có thể học vượt để rút ngắn thời gian, có những SV cùng một lúc đăng ký nhiều môn học, dễ đến bị hổng kiến thức, khó chấm điểm chuyên cần, điểm rèn luyện.
Nhất là khi một lớp học tín chỉ hiện nay thường có đến cả trăm SV trở nên, rất khó theo dõi điểm chuyên cần và một số nơi còn đưa quá nhiều điều kiện tiên quyết vào học phần của chương trình đào tạo. Tất cả đều cần ở thời gian và tầm hiểu biết bao quát của GVCVHT, để có thể tư vấn cho SV từ cách thức xây dựng kế hoạch cho toàn khóa học sao cho phù hợp với năng lực và hoàn cảnh đến hướng dẫn giải quyểt những khó khăn trong học tập và nghiên cứu khoa học, tìm việc làm.
Nhưng ở phần lớn các trường ĐH hiện nay còn quá ít GVCVHT đáp ứng được những yêu cầu này.
Xác định quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ là một công việc lâu dài và khó khăn nên từ năm học 2009 -2010, Đại học Huế đã có nhiều khởi động tích cực, đặc biệt là ưu tiên hoàn thiện phần mềm quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ (không chỉ về góc độ CNTT mà ở cả khía cạnh quản lý đào tạo) lấy quy chế 43 của Bộ GD-ĐT làm gốc và quan tâm đến đặc thù của Trường, khoa…
Sự cẩn trọng trong công tác quản lý đào tạo tín chỉ ở Đại học Huế thể hiện rõ ở sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức đoàn thể, Hội sinh viên trong phối hợp với các bộ phận, phòng, khoa, đặc biệt là sự tham gia của tổ chức công đoàn trong quản lý chuyên môn.
Nhà giáo Bảo Khâm -Trường Đại học Ngoại Ngữ - ĐH Huế đã rất sâu sát khi cho rằng: “Công đoàn không những chỉ thể hiện vai trò là chỗ dựa tinh thần, tình cảm, mà còn là chỗ dựa vững chắc về chuyên môn, góp phần cùng chính quyền, bảo đảm tính linh hoạt trong đào tạo, nhằm từng bước duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo. Để thực hiện được vai trò này, hướng hoạt động chuyên môn của công đoàn cần bám sát yêu cầu chuyên môn của hệ thống đào tạo tín chỉ”.
Đại học Đà Nẵng có sự vận hành sớm hơn trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ, có sự sáng tạo và linh hoạt trong từng bước đi. Các trường thành viên đều cho SV tự đăng ký học tập trực tuyến theo nhu cầu và năng lực cá nhân.
Mỗi GV, mỗi SV đều có thời khóa biểu riêng. Toàn bộ hệ thống quản lý đào tạo, quản lý SV vận hành theo yêu cầu riêng của từng SV. Toàn bộ khâu đánh giá kết quả của học tập của SV được thể hiện thống nhất, khách quan, đảm bảo tách biệt giữa hoạt động giảng dạy, ra đề thi và đánh giá kết quả học tập.
Đặc biệt, trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN là trường ĐH đầu tiên trong cả nước thực hiện việc liên kết với ngân hàng để phát thẻ đa năng, mang lại nhiều tiện ích cho SV, đồng thời là bước đột phá trong quy trình tổ chức thu kinh phí đào tạo phù hợp với đặc thù của đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Việc tổ chức quản lý của nhà trường còn cho phép SV và phụ huynh có thể nhanh chóng cập nhật kết quả khi kết thúc học phần.
Thúy Hồng