Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT trong giai đoạn mới

GD&TĐ - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trong giai đoạn tới sẽ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời phát triển đào tạo nông nghiệp công nghệ cao…

Dạy nghề gắn với sản phẩm của địa phương là một giải pháp hiệu quả trong đào tạo nghề cho LĐNT khu vực đồng bào dân tộc
Dạy nghề gắn với sản phẩm của địa phương là một giải pháp hiệu quả trong đào tạo nghề cho LĐNT khu vực đồng bào dân tộc

Giải quyết bất cập và phát triển đào tạo công nghệ

Sau hơn 10 năm thực hiện, đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (đề án 1956) đã chuẩn bị kết thúc. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã chủ động xây dựng đề án cho giai đoạn mới trên cơ sở phát huy những điểm sáng và sửa đổi bất cập để hiệu quả đào tạo thực chất hơn.

Theo TS Đỗ Năng Khánh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đề án đào tạo nghề cho LĐNT trong giai đoạn tới được thiết kế thành hai tiểu dự án. Một là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dự án về đào tạo nghề nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội dân tộc thiểu số và miền núi.

Quá trình thực hiện đề án 1956 cho thấy, mặc dù vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đã rất được chú ý nhưng kết quả vẫn còn hạn chế do những đặc tính, điều kiện kinh tế xã hội địa phương nên những quy định chung khó đáp ứng được.

Thứ hai là tiếp tục đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới. Trong đó, sẽ phân tầng và phân loại từng nhóm, đặc biệt chú ý đến đào tạo nông nghiệp công nghệ cao.

Việc áp dụng công nghệ 4.0 trong dạy nghề cho LĐNT thời gian qua cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn. Đặc biệt ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc áp dụng công nghệ đã được thúc đẩy rất mạnh mẽ, tuy nhiên thực tế việc triển khai còn nhiều khó khăn.

Do đó, việc cung cấp chương trình đào tạo và phối hợp với doanh nghiệp được xem là giải pháp có thể đẩy nhanh tiến độ áp dụng công nghệ cũng như đào tạo có việc làm cho lao động khu vực nông thôn.

Công bằng về cơ hội học nghề

Tổng hợp đánh giá từ các địa phương cho thấy, việc thực hiện đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và xã hội về đào tạo nghề, tạo sự công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động. Chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu của người lao động và thị trường. Gắn đào tạo nghề với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và cả nước.

Bên cạnh những thành công, điểm sáng, quá trình thực hiện đề án cũng cho thấy những hạn chế bất cập như: Kết quả đào tạo còn chưa đồng đều giữa các vùng trên cả nước. Các vùng Trung du, Miền núi phía Bắc, Tây nguyên có số LĐNT được hỗ trợ học nghề và tỷ có việc làm sau đào tạo thấp hơn các vùng khác.

Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn, hiệu quả việc làm sau đào tạo còn hạn chế…

Trong giai đoạn tới, chương trình đào tạo nghề cho LĐNT được xây dựng hướng tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và chú trọng khắc phục những hạn chế trong quá trình đánh giá thực hiện một thập kỷ qua của đề án 1956.

"Sau hơn 10 năm thực hiện, các mục tiêu chính của đề án 1956 đã đạt được rất thành công. Bình quân mỗi năm có khoảng 1 triệu LĐNT được đào tạo nghề, trong đó có khoảng 100 nghìn cán bộ công chức xã được đào tạo, tỷ lệ LĐNT có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%. Góp phần tăng tỷ lệ nguồn nhân lực qua đào tạo từ 40% năm 2010 lên 65% năm 2020, trong đó có lao động nông thôn."

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ