Đây là những thông tin tại Hội nghị giao ban về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, tổng kết triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Hội nghị được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức ngày 29/9 tại TP Hòa Bình.
Hơn 4,9 triệu lao động nông thôn được học nghề
Theo báo cáo tại hội nghị, trong giai đoạn 2016-2019, đã có 4,9 triệu lao động nông thôn (LĐNT) được học nghề, đạt 89% kế hoạch giai đoạn. Trong đó, số LĐNT được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 2,85 triệu người, trong số này có 0,85 triệu người học nghề nông nghiệp và khoảng 2 triệu người được học nghề phi nông nghiệp; có 450 nghìn người dân tộc thiểu số, 200 nghìn người thuộc hộ nghèo, 60 nghìn người khuyết tật, còn lại là các đối tượng khác. Tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề giai đoạn 2016-2019 đạt 81,4%.
Ngoài ra, theo báo cáo từ các địa phương thì đã có trên 134 nghìn hộ nghèo có người tham gia học nghề và đã thoát nghèo, trên 165 nghìn hộ có người tham gia học nghề, có việc làm và thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương.
Kế hoạch năm 2020, đào tạo nghề trình độ sơ cấp và các trình độ đào tạo nghề nghiệp khác cho 1,68 triệu người, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 1 triệu LĐNT. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%.
Theo báo cáo từ các Bộ, ngành, địa phương, trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước đã tuyển sinh và đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho trên 1 triệu LĐNT, trong đó gần 600 nghìn người là LĐNT, hỗ trợ đào tạo nghề cho 250 nghìn LĐNT,…
Kết quả không đồng đều
Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình thực hiện đề án cũng cho thấy nhiều khó khăn, bất cập.
Ông Đào Trọng Độ - Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Các vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, Tây nguyên có số LĐNT được hỗ trợ học nghề và tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề thấp hơn các vùng khác, trong khi kinh phí Trung ương hỗ trợ bình quân luôn bằng hoặc cao hơn mức hỗ trợ bình quân các vùng khác trên cả nước.
LĐNT học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm do thị trường lao động tại chỗ không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Một số LĐNT học nghề nông nghiệp nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn, hiệu quả việc làm sau đào tạo còn hạn chế…
Các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng, từ hiệu quả tích cực trong thời gian thực hiện, Đề án đàp tạo nghề cho LĐNT cần được tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tới. Trong những tháng cuối năm, các cơ sở tăng cường công tác tuyển sinh đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho LĐNT.
Đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề cho LĐNT, đặc biệt ưu tiên nâng cao kiến thức kỹ năng cho các đối tượng lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động tại các vùng biên giới, lao động tự do, lao động tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và lao động là người khuyết tật,… để họ chủ động tham gia thị trường lao động, ổn định sinh kế.
Ông Đỗ Năng Khánh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo nghề cho LĐNT lồng ghép với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn tiếp theo. Chương trình được thiết kế thành các dự án, phối hợp với Bộ NN&PTNT.
Các địa phương cần khẩn trương tiến hành tổng kết và gửi báo cáo để Tổng cục tổng hợp, báo cáo Chính phủ và tiến hành tổng kết theo đúng tiến độ, kế hoạch. Đề xuất khen thưởng những mô hình đào tạo điển hinh, cá nhân xuất sắc trong 11 năm thực hiện đề án. Các vấn đề phát sinh về chính sách trong quá trình thực hiện đề án sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng để thiết kế đưa vào Đề án trong giai đoạn tới.