Đào tạo kỹ năng sản xuất thực tế
Đây là một nội dung trọng tâm trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) giai đoạn tiếp theo.
Ông Đào Trọng Độ - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Đào tạo nghề cho LĐNT cần phải gắn với quy hoạch và các đề án liên quan. Cụ thể, gắn với quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, tái cơ cấu nông nghiệp,… để chuyển đổi nghề nghiệp và tạo thêm nhiều việc làm cho LĐNT sau học nghề.
Về đào tạo nghề nông nghiệp, các giải pháp hướng tới gắn đào tạo với sản xuất theo mô hình chuỗi sản phẩm, các sản phẩm truyền thống thế mạnh của địa phương, đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp,… LĐNT được đào tạo đảm bảo kiến thức, kỹ năng theo đúng yêu cầu của mô hình sản xuất thực tế. Như vậy, sản phẩm mới có đủ khả năng cạnh tranh và tiêu thụ trên thị trường.
Đào tạo nghề để chuyển đổi LĐNT sang các ngành công nghiệp, dịch vụ cũng phải bám sát với quy hoạch kinh tế của địa phương. Những địa phương có nhiều khu công nghiệp thì dễ dàng hơn, nhưng đối với địa phương khác thì phải định hướng việc làm ở những nơi khác, tư vấn về độ tuổi, sức khỏe, điều kiện tuyển dụng của doanh nghiệp cho người LĐNT trước khi học nghề.
Cũng theo ông Độ, đào tạo nghề cho LĐNT trong giai đoạn tới cần phát triển theo bề rộng, đào tạo nghề phổ cập cho người dân ở những vùng chưa có điều kiện để thay đổi phương thức sản xuất, chưa thể tiếp cận được các mô hình sản xuất hiện đại như ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Những vùng nông thôn có điều kiện để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch, công nghiệp thì tập trung đào tạo chuyên sâu, đáp ứng theo nhu cầu của từng lĩnh vực, đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp.
“Đào tạo nghề cho LĐNT không thể chỉ một ngành LĐ-TB&XH mà rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, hiệp hội… Đặc biệt các ngành liên quan đến thị trường, dự báo thị trường lao động, thương mại, dịch vụ, du lịch,… Như vậy mới tạo sự đồng bộ để việc thực hiện đề án đạt hiệu quả tốt nhất.”- ông Đào Trọng Độ nhấn mạnh.
Đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tổng hợp số liệu của các địa phương, sau 10 năm thực hiện đề án, đã có khoảng 9,6 triệu LĐNT được đào tạo nghề, tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt trên 80%.
Riêng trong giai đoạn 2016-2020, đã có trên 134 nghìn hộ nghèo có người tham gia học nghề đã có việc làm và đã thoát nghèo. Trên 168 nghìn hộ có người tham gia học nghề có việc làm, thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương và trở thành hộ khá...
Đào tạo nghề cho LĐNT đã cơ bản đáp ứng tiêu chí về thu nhập, lao động có việc làm trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Quá trình thực hiện đề án, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được nhân rộng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Thông qua việc thực hiện đề án, nhận thức của các cấp, ngành và đặc biệt của người LĐNT đã có sự thay đổi căn bản. Nếu như những năm đầu thực hiện đề án, LĐNT tham gia học nghề để được nhận hỗ trợ, rảnh rỗi thì đi học nghề, thì những năm sau, người tham gia đã xác định học nghề để có kiến thức, kỹ năng áp dụng vào sản xuất, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động.
Gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia, như Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới… Việc thực hiện đề án đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Định hướng trong giai đoạn tiếp theo, đào tạo nghề cho LĐNT sẽ tiếp tục gắn với chiến lược quy hoạch chung của quốc gia cũng như gắn với quy hoạch của từng địa phương, các lĩnh vực trọng điểm.