Nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ ở tỉnh Nghệ An

GD&TĐ - Do đặc thù nhiều huyện miền núi khó khăn, ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An đã có những cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng xóa mù chữ.

Khai giải lớp xóa mù chữ ở xã miền núi Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. (Ảnh: Phạm Tâm)
Khai giải lớp xóa mù chữ ở xã miền núi Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. (Ảnh: Phạm Tâm)

Cách làm hay trong công tác xóa mù chữ

Tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, trong đó, miền núi chiếm tới 83% diện tích lãnh thổ. Dân số toàn tỉnh có khoảng hơn 3,4 triệu người, trong đó dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm tới 36,3%.

Những năm qua, Nghệ An đặc biệt chú trọng công tác xóa mù chữ, xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn xã hội nhằm góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương.

Cùng với những giải pháp thiết thực, kết quả công tác xóa mù chữ có nhiều thành tựu to lớn. Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, trong thời gian qua, ngành Giáo dục đã đồng thời triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Từ việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch có tính chiến lược, lâu dài để chỉ đạo công tác; đến việc chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng GD&ĐT và đến tận các cơ sở giáo dục để xây dựng kế hoạch mở lớp.

Theo ông Hoàn, một trong những giải pháp quan trọng, quyết định hiệu quả của công tác xóa mù chữ là công tác tổ chức và duy trì lớp học.

Chính vì thế, xác định việc tổ chức và duy trì lớp học là nhiệm vụ chính được giao cho các trường tiểu học đóng trên địa bàn. Đồng thời, có sự phối hợp tham gia của các tổ chức, đoàn thể, các lực lượng xã hội địa phương.

Đối với thời gian tổ chức lớp học, đa số học viên các lớp xóa mù chữ phần lớn trong độ tuổi lao động chính của gia đình, nên các lớp học được tổ chức linh hoạt. Thời gian có thể vào những ngày cuối tuần, ban đêm, giữa các mùa vụ lao động, sản xuất; có thể vào thời điểm học viên rảnh rỗi nhất.

Đối với người tham gia giảng dạy các lớp xóa mù phải chọn lựa những người tâm huyết, yêu nghề, ưu tiên giáo viên là người địa phương, biết tiếng của đồng bào, hiểu rõ các phong tục, tập quán địa phương.

Học viên các lớp xóa mù chữ ở Nghệ An chủ yếu là phụ nữ. (Ảnh: Phạm Tâm)

Học viên các lớp xóa mù chữ ở Nghệ An chủ yếu là phụ nữ. (Ảnh: Phạm Tâm)

Nâng cao hiệu quả công tác xóa mù

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, phương pháp dạy học, đánh giá, xếp loại học viên xóa mù chữ phải theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Minh họa bài học bám sát thực tế cuộc sống sinh hoạt lao động của người học, giúp người học dễ hiểu, nhớ lâu và dễ vận dụng, áp dụng với cuộc sống hàng ngày.

Đặc biệt, quá trình giảng dạy, giáo viên từng bước cho học viên tiếp cận với công nghệ thông tin thông qua các phương tiện sẵn có, sự hỗ trợ từ nhà trường như: tivi, máy chiếu, điện thoại di động, mạng internet…

Trong khóa học, phải lồng ghép tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tạo hứng thú cho người học được duy trì... Đến cuối kỳ, kết quả đánh giá được thực hiện đúng quy chế.

Tuy nhiên, đi kèm đó là động viên người học bằng nhiều biện pháp sáng tạo luôn được khuyến khích, tạo sự hứng thú, phấn khởi, có động lực phấn đấu qua điểm số, nhận xét của giáo viên, bạn bè, người thân và tự nhận xét của người học.

Ngoài ra, các chế độ, chính sách đối với người dạy và người học được chi trả kịp thời theo các quy định hiện hành. Điều này tạo động lực cho những người tham gia giảng dạy cũng như tham gia học.

Lớp xóa mù chữ ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An được tổ chức vào ban đêm. (Ảnh: Phạm Tâm)

Lớp xóa mù chữ ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An được tổ chức vào ban đêm. (Ảnh: Phạm Tâm)

Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT chia sẻ, do Nghệ An là tỉnh khó, xuất phát điểm không thuận lợi nên tình trạng mù chữ, tái mù chữ vẫn xảy ra. Đặc biệt, số người mù chữ nằm rải rác ở các bản vùng sâu, vùng xa nên rất khó trong việc tổ chức mở lớp.

Chưa kể, việc huy động học viên ra lớp, duy trì sĩ số học viên đi học chuyên cần cũng hết sức nan giải do đa số học viên đều là nữ, trong độ tuổi lao động chính của gia đình.

Đáng nói, vào mùa nương rẫy, nhiều người thường đi làm xa nhà, xa bản. Một số người do lớn tuổi nên tâm lý của một số học viên còn e dè, xấu hổ khi đi học.

Về tổng thể, cần có sự đánh giá, rà soát để có căn cứ tham mưu cho Chính phủ ban hành Đề án Xóa mù chữ giai đoạn 2024-2030, định hướng đến 2040.

Hàng năm, Bộ GD&ĐT nên tổ chức các đợt tập huấn về phương pháp giảng dạy các lớp xóa mù chữ; xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay để các đơn vị, địa phương khác học tập. Có các chương trình, dự án…nhằm hạn chế tình trạng tái mù chữ cho người học.

Đặc biệt, Bộ cần sớm ban hành và thí điểm Chương trình xóa mù chữ (chức năng) để phù hợp với tình hình hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ