Huy động cả hệ thống chính trị vào công tác xóa mù chữ

GD&TĐ - Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều địa phương ở tỉnh Nghệ An đạt kết quả cao trong công tác xóa mù chữ.

Bằng nhiều cách làm hay, huyện Quế Phong (Nghệ An) thu hút được nhiều học viên tham gia lớp xóa mù chữ. (Ảnh: NVCC)
Bằng nhiều cách làm hay, huyện Quế Phong (Nghệ An) thu hút được nhiều học viên tham gia lớp xóa mù chữ. (Ảnh: NVCC)

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Tri Lễ là xã vùng cao của huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An), nhiều bản làng giao thông đi lại cách trở, đời sống của bà con còn nhiều thiếu thốn. Người dân đồng bào người Mông, Thái đặc biệt là chị em phụ nữ có tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ còn rất cao.

Thực hiện chủ trương của UBND huyện Quế Phong về chống tái mù và xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, Phòng GD&ĐT đã phối hợp với Đồn Biên phòng Tri Lễ, Đoàn kinh tế Quốc phòng 4 và chỉ đạo các trường Tiểu học Tri Lễ 1, Tiểu học Tri Lễ 4 mở được 7 lớp xóa mù chữ với 177 học viên.

Ông Lữ Thanh Hà - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quế Phong cho biết, công tác xóa mù chữ ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn như địa bàn rộng, đường xá xa xôi, hiểm trở đã ảnh hưởng đến việc huy động và đến trường học của học viên cũng như việc giảng dạy của giáo viên.

Ngoài ra, các học viên ở các bản rải rác đặc biệt là số học THCS ngoài nhà trường là lực lượng lao động chính và ở rải rác các thôn/bản nên khó tập trung để mở lớp và theo học.

Bên cạnh đó, học viên đa số lớn tuổi, mà chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số ít người nên chất lượng học tập chưa cao. Học viên chủ yếu là nữ, phải chăm sóc con nhỏ tình trạng nên vắng học, bỏ học giữa chừng còn nhiều.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu, Phòng GD&ĐT huyện Quế Phong phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch, vận động học viên mở lớp và giảng dạy nghiêm túc, đúng kế hoạch, đúng chương trình đã được Bộ GD&ĐT ban hành.

Bản vùng cao thuộc xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An. (Ảnh: Phạm Tâm)

Bản vùng cao thuộc xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An. (Ảnh: Phạm Tâm)

Theo ông Hà, trong quá trình mở các lớp xóa mù chữ, các tổ chức, đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia học tập, lồng ghép linh hoạt giữa việc dạy chữ với công tác phổ biến kiến thức đã làm chuyển biến cơ bản về nhận thức và kỹ năng canh tác, chăn nuôi.

Các lớp học mở ra đã tạo cơ hội học tập thứ hai cho những người lớn tuổi, thanh thiếu niên chưa từng được đi học hoặc phải bỏ học giữa chừng ở bậc tiểu học.

Nhờ cách tuyên truyền, vận động hay, giáo viên giảng dạy có chuyên môn, nhiệt tình nên được các học viên tham gia học tập đầy đủ, chất lượng khá tốt.

Nhiều chính sách hỗ trợ xóa mù chữ

Để tạo thuận lợi cho công tác xóa mù chữ, ngày 7/7/2023, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết 10 về việc Quy định một số nội dung và mức chi thực hiện công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục theo đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.

Theo đó, tỉnh Nghệ An sẽ hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ, với mức chi tối đa 1,8 triệu đồng/người/chương trình.

Ngoài ra, còn có chính sách hỗ trợ khác, như hỗ trợ thắp sáng ban đêm, mức chi tối đa 200.000 đồng/lớp/học kỳ; mua sổ sách theo dõi quá trình học tập và hỗ trợ giáo viên mua văn phòng phẩm tối đa 480.000 đồng/lớp/học kỳ; tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù chữ tối đa 100.000 đồng/học viên/chương trình học.

Đoàn kinh tế Quốc phòng 4 và UBND xã Tri Lễ trao giấy khen cho học viên hoàn thành lớp xóa mù chữ. (Ảnh: NVCC)

Đoàn kinh tế Quốc phòng 4 và UBND xã Tri Lễ trao giấy khen cho học viên hoàn thành lớp xóa mù chữ. (Ảnh: NVCC)

Đồng thời, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng quy định mức hỗ trợ cho người làm công tác xóa mù chữ, với thời gian hưởng 12 tháng/năm.

Cụ thể: Sở GD&ĐT (5 người), Phòng GD&ĐT (2 người) được hỗ trợ tối đa 360.000 đồng/người/tháng; các xã khu vực III, các cơ sở giáo dục nằm trên địa bàn khu vực III được hỗ trợ tối đa 450.000 đồng/người/tháng; các xã, các cơ sở giáo dục nằm trên địa bàn còn lại 270.000 đồng/người/tháng.

Nguồn kinh phí để thực hiện công tác xóa mù chữ từ ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp của Luật ngân sách nhà nước; nguồn kinh phí trung ương bổ sung thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719; huy động từ nguồn tài trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn tài trợ hợp pháp khác.

Từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, công tác xóa mù chữ ở Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Từ năm học 2021-2022, Nghệ An đã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.