Bệnh viện tâm thần Hà Nội: Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh

GD&TĐ - Thân thiện nhẹ nhàng, tươi cười luôn thể hiện sự coi bệnh nhân như khách hàng, chăm sóc bệnh nhân như chính những người thân của mình… đó là những hoạt động của các thầy thuốc Bệnh viện tâm thần Hà Nội thời gian qua.

Luôn hòa nhã, tận tình, lễ phép, tất cả đã thực hiện thành nền nếp tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội. ​
Luôn hòa nhã, tận tình, lễ phép, tất cả đã thực hiện thành nền nếp tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội. ​

Vận dụng sáng tạo

Ngay sau khi TP Hà Nội ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP, Bệnh viện tâm thần Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các hình thức phong phú những nội dung của bộ Quy tắc ứng xử để những yêu cầu này thấm sâu vào cuộc sống hàng ngày của cán bộ, y bác sĩ người lao động tại bệnh viện.

Trên cơ sở nội dung của quy tắc ứng xử, tùy theo nội dung, tính chất công việc chuyên môn của các khoa, phòng, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, việc thực hiện quy tắc ứng xử được áp dụng linh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tế. Để việc thực hiện quy tắc ứng xử được triển khai hiệu quả, các đơn vị đã tổ chức các lớp tập huấn, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thông qua các hội nghị lồng ghép tại mỗi đơn vị.

Tại các khoa, phòng và những nơi tập trung đông bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, các đơn vị đã bố trí căng treo các biển quy định về quy tắc ứng xử để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thuận tiện theo dõi, giám sát việc thực hiện của y, bác sỹ.

Bệnh viên tâm thần Hà Nội cũng đã duy trì hệ thống “đường dây nóng”, hòm thư góp ý, niêm yết công khai thủ tục hành chính, thực hiện tiếp công dân, giải quyết, xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo, triển khai thí điểm việc thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ y tế công…

Bác sĩ Ngô Hùng Lâm - Giám đốc Bệnh viện tâm thần Hà Nội cho biết, là bộ quy tắc chung dành cho các cán bộ công nhân viên chức, đối với mỗi cơ quan mỗi ngành nghề thì người cán bộ, công nhân viên chức cũng cần áp dụng linh hoạt, riêng đối với ngành y thì cách ứng xử với người nhà bệnh nhân, bệnh nhân, đồng nghiệp cần nhiệt thành kiên nhẫn và tế nhị đặc biệt là ở các bệnh viện tâm thần những phẩm chất này các phải đặt lên hàng đầu.

“Triển khai thực hiện bộ Quy tắc ứng xử của thành phố, với cách làm bài bản, sáng tạo, tập thể cán bộ, y bác sĩ, người lao động của Bệnh viện tâm thần Hà Nội  đã thu được những kết quả đáng khích lệ, thể hiện qua sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, y bác sĩ, người lao động của bệnh viên với phương châm tất cả vì sự hài lòng của người bệnh.

Đặc biệt, để việc thực hiện quy tắc ứng xử thực sự phát huy hiệu quả trong việc nêu cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, các đơn vị phòng ban bệnh viện còn quan tâm phát động các phong trào thi đua thực hiện lời dạy của Bác Hồ gắn với việc thực hiện quy tắc ứng xử.

Bác sĩ Ngô Hùng Lâm - Giám đốc Bệnh viện tâm thần Hà Nội.
Bác sĩ Ngô Hùng Lâm - Giám đốc Bệnh viện tâm thần Hà Nội. 

Bệnh viên tâm thần Hà Nội đưa nội dung về khen thưởng, xử lý vi phạm trong việc thực hiện quy tắc ứng xử gắn với quy chế chi tiêu nội bộ. Thông qua kiểm tra, giám sát, các đơn vị của bệnh viện đã khen thưởng, biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt quy tắc ứng xử cũng như những biểu hiện chưa tốt.

Hết lòng thân thiện với bệnh nhân

Bác sĩ Phùng Ngọc Thương (Bệnh viện tâm thần Hà Nội) chia sẻ, quy tắc chung của chúng tôi trước tiên là sự tôn trọng và bình đẳng không có chênh lệch trên dưới phân biệt đối xử từ các đồng nghiệp, sau đó là thái độ thân thiện của bác sĩ với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân...tạo không khí vui tươi đoàn kết, hỗ trợ nhau trong công việc.

“Ngoài việc nâng cao chuyên môn, bác sĩ phải tận tâm, chia sẻ, giúp đỡ, thân thiện với bệnh nhân. Hướng dẫn tạo mọi điều kiện cho bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân có được tâm lý tốt để làm việc, chắm sóc…”, bác sĩ Thương nói.

Theo lãnh đạo Bệnh viện tâm thần Hà Nội cho biết, việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử của UBND TP Hà Nội ban hành có rất nhiều nội dung mà cán bộ, y bác sĩ, người lao động trong bệnh viện phải ghi nhớ. “Tuy nhiên, để dễ ghi nhớ, đơn giản hơn thì điều đầu tiên là luôn lấy bệnh nhân làm trung tâm, người bệnh là đối tượng để cán bộ, y bác sĩ nơi đây chăm sóc phục vụ, với mong muốn mang lại sự hài lòng cho người bệnh…”, Giám đốc Bệnh viện tâm thần Hà Nội bày tỏ.

Là cơ sở y tế đặc thù luôn có bệnh nhân “đặc biệt” thì sự hài lòng của bệnh nhân luôn được đặt hàng đầu. “Bên cạnh đội ngũ thầy thuốc giỏi giàu kinh nghiệm, đội ngũ điều dưỡng viên đã cho thấy sự chuyên nghiệp của mình trong hướng dẫn, chăm sóc người bệnh. Các y bác sĩ nhiệt tình chu đáo và thân thiện…”, Chị Chu Thị Thu Huyền - người nhà bệnh nhân chia sẻ.

Lãnh đạo Bệnh viện tâm thần Hà Nội cũng cho biết, thời gian tới cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, tạo môi trường cho bệnh nhân có được điều kiện chăm sóc tốt nhất, bệnh viện luôn chú trọng đến giao tiếp, ứng xử, chăm sóc người bệnh.

“100% cán bộ, người lao động ký tham gia tốt thực hiện quy tắc ứng xử văn minh tại bệnh viện xây dựng niềm tin của nhân dân với ngành y tế Thủ đô, sự hài lòng của người bệnh là uy tín của chúng tôi.

Luôn hòa nhã, tận tình, lễ phép, tất cả đã thực hiện thành nền nếp, sau khi có bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội, chúng tôi thấy mình phải cố gắng hơn, trách nhiệm hơn với nhân dân”. ”, Giám đốc Bệnh viện tâm thần Hà Nội nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.