Bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, thầy phán do... "ma hành"
Thời gian gần đây, anh Lê P. (sinh năm 1978, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) thường xuyên mất ngủ và lúc nào cũng tưởng tượng có người đuổi bắt mình. Tuy nhiên, thay vì đưa anh đi khám bệnh, gia đình đã xem bói và được thầy phán anh P. bị "ma hành", phải làm lễ giải nghiệp với giá lên tới hàng chục triệu đồng.
Có bệnh thì bái tứ phương, với tâm lý hoang mang từ các triệu chứng của anh P., gia đình nhanh chóng chi tiền sắm lễ lạt, cúng bái theo lời thầy phán. Tuy nhiên, cúng hết lễ này đến lễ kia nhưng bệnh tình của anh P. không thuyên giảm mà ngày một lặng thêm.
Thậm chí, bà Lê Thị Y. (mẹ anh P.) cho biết, mặc dù biểu hiện bệnh của anh P. ngày càng nặng nhưng khi đưa anh P. đến thầy, thầy vẫn bảo: "Cứ để đây để chữa và làm lễ chờ"...
Trước diễn biến phức tạp của con mình, bà Y. mới quyết định đưa con đến Bệnh viện tâm thần Hà Nội.
Cho rằng bị "ma hành", bệnh nhân Lê P. đã từng được gia đình cho đến nhà thầy cúng về để chữa. |
Sau khi thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện tâm thần Hà Nội kết luận anh Lê P. bị tâm thần phân liệt. Đây là một dạng bệnh lý cần phải được điêu trị bằng thuốc và tuân thủ theo pháp đồ liệu trình tâm lý cụ thể.
Ở một diễn biến khác, do sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội… khiến số lượng người bệnh bị stress ngày càng gia tăng. Nhưng thay vì đến bệnh viện, nhiều người lại tìm đến phương pháp chữa bệnh bằng các hoạt động mê tín dị đoan để chữa.
Bác sĩ Ngô Hùng Lâm - Giám đốc Bệnh viện tâm thần Hà Nội cho biết, thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân có biểu hiện, triệu chứng về bệnh loạn thần đã được gia đình cho đi cúng bái trước đó.
"Việc người dân mê muội tin vào cúng bái vừa tốn kém tiền của lại khiến người bệnh mất cơ hội điều trị ở giai đoạn đầu. Nhiều gia đình đưa bệnh nhân cúng bái khắp nơi, đến khi kinh tế kiệt quệ, hết khả năng họ mới cho bệnh nhân đến bệnh viện. Tuy nhiên khi đó bệnh tình của bệnh nhân thường đã nặng, khiến thời gian để ổn định, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn…”, bác sĩ Ngô Hùng Lâm nói.
Bác sĩ khuyến cáo cách điều trị tốt nhất
Bác sĩ Ngô Hùng Lâm khuyến cáo, việc dùng những biện pháp mê tín dị đoan để chữa trị cho người bị bệnh tâm thần có tác hại rất nhiều mặt. Ngoài tốn công sức, tiền của... bệnh tình của người bệnh ngày càng nặng thêm thì nhiều bệnh nhân tâm thần đã phát sinh thêm những bệnh khác như chấn thương, tiêu chảy...
Có những bệnh nhân tâm thần nhập viện sau khi bị đánh đến thâm tím cơ thể, trong đó có vết quá sâu đã nhiễm trùng, mưng mủ.
Tâm thần là một loại bệnh mà việc điều trị thường phải kéo dài, tốn kém... có trường hợp bệnh nhân dù đã hồi phục nhưng vẫn tồn tại những thiếu sót trí năng, rối loạn tác phong, nhân cách... Cách điều trị tâm thần hiện đại là điều trị ngoại trú trong cộng đồng và phối hợp nhiều biện pháp khác, như: Dùng thuốc, tâm lý liệu pháp, phục hồi chức năng...
Bệnh nhân tâm thần uống thuốc, điều trị tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội. |
Ngoài ra, tâm thần cũng là một bệnh do các nhân tố có hại từ môi trường gây ra, như: Sang chấn tâm thần, điều kiện sinh hoạt vật chất, tệ nạn xã hội, áp lực công việc... Bệnh tâm thần còn phụ thuộc vào những yếu tố khác, như: Sức khỏe toàn thân, giới tính, tuổi tác, đặc điểm nhân cách, loại hình thần kinh...
Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong – Bệnh viện tâm thần Hà Nội nhận định, hiện tư tưởng mê tín dị đoan vẫn tồn tại trong một bộ phận dân cư khiến việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần càng thêm khó khăn: “Đối với bệnh tâm thần, nếu không được điều trị đúng cách chắc chắn bệnh tình sẽ không thuyên giảm mà ngày một nặng thêm. Do đó, khi người thân biểu hiện bệnh, tốt nhất gia đình cho bệnh nhân đến các bệnh viện chức năng để thăm khám, điều trị kịp thời".