Điều trị cho khoảng 18.000 bệnh nhân
Công tác phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân rối loạn tâm thần, giúp cho bệnh nhân và gia đình thích ứng, tái hòa nhập cuộc sống gia đình và xã hội, tạo cơ hội việc làm cho bệnh nhân...
Theo Bác sĩ Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc BVTT Hà Nội hiện nay, số ca mắc bệnh lý tâm thần chung trong cộng đồng có số lượng đáng kể. Mỗi rối loạn khác nhau có tỷ lệ mắc khác nhau. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), người bị bệnh tâm thần phân liệt tỷ lệ là 0,3 - 0,7% dân số và khoảng 3 - 5% dân số trên thế giới có triệu chứng trầm cảm ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 3 bệnh viện chuyên khoa trực thuộc Sở y tế: BVTT Hà Nội, BVTT Mỹ Đức và BVTT ban ngày Mai Hương. Trong đó, BV TT Hà Nội là bệnh viện chuyên khoa hạng I, được Sở Y tế giao công tác chỉ đạo tuyến và đầu ngành tâm thần của thành phố Hà Nội.
"Những người bệnh sau khi được chẩn đoán xác định, điều trị ổn định tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần sẽ được giới thiệu về các trung tâm y tế (TTYT) theo địa bàn đang sinh sống để được tiếp tục theo dõi và điều trị ngoại trú. Thành phố Hà Nội đang có 30 TTYT quận huyện, đang quản lý và điều trị cho khoảng 18.000 bệnh nhân bao gồm 7.602 bệnh nhân tâm thần phân liệt (TTPL), 6.426 bênh nhân động kinh (BNĐK)...", Bác sĩ Thắng thông tin.
Theo bác sĩ Thắng, để làm tốt công tác phục hồi chức năng cho bệnh nhân rối loạn tâm thần tại cộng đồng, BVTT Hà Nội đang trực tiếp chỉ đạo 21 TTYT, đang quản lý 11.103 bệnh nhân, bao gồm 4.527 bệnh nhân TTPL, 3.961 bệnh nhân ĐK. BVTT Mỹ Đức đang trực tiếp chỉ đạo 9 TTYT, đang quản lý 6.867 bệnh nhân, bao gồm 3.075 bệnh nhân TTPL, 2.465 bệnh nhân ĐK.
Phó Giám đốc BVTT Hà Nội cũng cho biết, đa số các bệnh nhân đang được quản lý, cấp phát thuốc tại các TTYT đều là những bệnh nhân mạn tính, bị bệnh nhiều năm, nhiều bệnh nhân đã đến giai đoạn sa sút tâm thần, khả năng tái thích ứng xã hội kém.
"Tất cả bệnh nhân sau khi được khám, điều trị ổn định tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần sẽ được giới thiệu về các trung tâm y tế quận huyện. Tại các TTYT quận huyện đều có các phòng khám tâm thần, do các y bác sĩ phụ trách, các bệnh nhân được bệnh án điều trị ngoại trú, định kỳ theo hẹn hàng tháng sẽ đến các phòng khám tâm thần để được khám bệnh và kê thuốc dùng trong tháng.
Cùng với đó, bệnh nhân đang được quản lý và cấp thuốc tại các TTYT đều được cấp thuốc bằng nguồn kinh phí bảo hiểm y tế, và các TTYT đảm bảo cung cấp đủ các loại thuốc thiết yếu và một số loại thuốc ATK mới đảm bảo cho công tác điều trị ngoại trú…”, bác sĩ Trần Quyết Thắng thông tin.
Giúp bệnh nhân hòa nhập với cộng đồng
Cùng với việc điều trị cho bệnh nhân, BVTT Hà Nội còn tổ chức 15 câu lạc bộ cho gia đình và người bệnh TTPL và ĐK tại các TTYT trên địa bàn thành phố. Với hình thức sinh hoạt 2 tháng/lần, số lượng 70- 80 người/CLB,
Bác sĩ Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc BVTT Hà Nội. |
Các bác sĩ của BVTT Hà Nội và BVTT Mỹ Đức, chủ trì, nhân viên phòng chỉ đạo tuyến bệnh viện, nhân viên phòng khám tâm thần TTYT, nhân viên trạm y tế hỗ trợ cho các bác sĩ trong việc tổ chức sinh hoạt CLB.
Với mục đích nhằm phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân rối loạn tâm thần, giúp cho bệnh nhân và gia đình thích ứng, tái hòa nhập cuộc sông gia đình và xã hội, tạo cơ hội việc làm cho bệnh nhân.
BVTT Hà Nội còn tổ chức tập huấn, tuyên truyền cung cấp các kiến thức về tự chăm sóc bệnh nhân, phục hồi chức năng tâm lý, xã hội, tái thích ứng cuộc sống gia đình và cộng đồng, tư vấn tâm lý, sinh hoạt nhóm, kĩ năng, phương pháp chăm cho gia đình người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh tại gia đình.
Các nội dung chính để phục hồi chức năng cho bệnh nhân rối loạn tâm thần tại cộng đồng như: Cung cấp thông tin, giải thích cho gia đình hiểu về bệnh của bệnh nhân, hướng dẫn cho cho bệnh nhân uống thuốc, cách nhận biết các tác dụng phụ của thuốc; Cách sử trí các biểu hiện bất thường của bệnh nhân.
Cụ thể, phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho người bệnh TTPL, phục hồi chức năng tái thích ứng gia đình và xã hội. Phục hồi chức năng sinh hoạt như: hướng dẫn gia đình và bệnh nhân biết cách tự chăm sóc, tắm giặt, vệ sinh cá nhân, trật tự vệ sinh nơi ở. Phục hồi chức năng tâm lý xã hội: giúp bệnh nhân giao tiếp với người thân và mọi người xung quanh.
Cùng với đó, là phục hồi chức năng nghề nghiệp: giúp cho bệnh nhân làm được những công việc như trước khi mắc bệnh như làm ruộng, trồng hoa, rau, làm được một số công việc thủ công. Liệu pháp tâm lý gia đình trong điều trị bệnh TTPL. Các gia đình trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những vấn đề khó khăn trong việc chăm sóc bệnh nhân tại gia đình, các tình huống thường gặp khi bệnh nhân tái phát bệnh.
Đánh giá về hiệu quả, Bác sĩ Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc BVTT Hà Nội cho biết, trước tiên nâng cao sự hiểu biết của gia đình về tình trạng bệnh của người thân, giúp cho gia đình và bệnh nhân tuân thủ điều trị.