Chẳng còn cách nào khác, các trường phải tìm cách “thay áo” để tự giải “bài toán” cho riêng mình.
Cái “khó” bó “đầu vào”
Điện Biên hiện có 4 trường chuyên nghiệp gồm: Cao đẳng Sư phạm, Y tế, Kinh tế - Kỹ thuật và Cao đẳng Nghề. Nhiều năm liên tiếp, các đơn vị này đều rơi vào tình cảnh chung là số học sinh, sinh viên đăng ký xét tuyển không đạt kế hoạch giao. Thậm chí, nhiều ngành, nghề đào tạo không tuyển được học sinh, sinh viên.
Năm học 2018 – 2019, kết thúc đợt 1, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật chỉ có 62/180 sinh viên hệ cao đẳng nhập học, đạt 34,4% (trong đó có 6 lưu học sinh Lào đào tạo trong ngân sách).
Hệ trung cấp chỉ có 24/255 học sinh, chưa nổi 10% chỉ tiêu kế hoạch được giao. Trường Cao đẳng Nghề, tuy tỷ lệ tuyển sinh khả quan hơn, song cũng chỉ có 36/200 học sinh nhập học hệ trung cấp (đạt 18%).
Không những vậy, nhiều ngành nghề liên tiếp đối mặt với thực trạng không có thí sinh đăng ký xét tuyển, như: Sư phạm tiếng Anh, Mỹ thuật, Tin học Ứng dụng, Quản lý văn hóa, Quản trị văn phòng, Việt Nam học (Cao đẳng Sư phạm); Công tác xã hội, Kế toán doanh nghiệp (Cao đẳng Nghề)…
Ông Đoàn Thanh Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên, cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên. Trong đó, khó khăn đầu tiên phải kể tới là cơ chế tự chủ trong tuyển sinh.
Nhiều trường đại học, nhất là trường dân lập “mở cửa” phương thức tuyển sinh bằng cách: Tăng chỉ tiêu, hạ điểm chuẩn, kéo dài thời gian… nên đã thu hút phần lớn học sinh trên địa bàn đăng ký theo học.
Không những vậy, theo ông Đoàn Thanh Quỳnh, chỉ tiêu tuyển sinh hiện nay còn bị cạnh tranh bởi các công ty, doanh nghiệp trong cả nước. Trên thực tế, nhiều đơn vị đã tìm đến tận các trường THPT, THCS để tuyển công nhân với nhiều hứa hẹn hấp dẫn.
“Đứng trước sự lựa chọn tiếp tục học nghề nghiệp vài năm, với học sinh vùng khó việc đi làm ngay để có thu nhập vài triệu đồng/tháng lại là lựa chọn tối ưu” – ông Quỳnh cho hay.
Đối với Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên – đơn vị nhiều năm đối mặt với bài toán tuyển sinh, thì vướng bởi Luật Giáo dục năm 2019. Để nâng trình độ chuẩn, theo luật, giáo viên cấp tiểu học, THCS, THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo trở lên. Với yêu cầu này, nhiều ngành sư phạm của trường đối mặt với tình trạng không có thí sinh đăng ký xét tuyển.
Ngoài ra, cơ hội việc làm sau đào tạo gặp nhiều khó khăn. Việc tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước ngày một hạn chế đã dẫn đến tình trạng “đầu ra” làm khó “đầu vào”.
Chuyển trọng tâm
Đứng trước những thách thức trong tình hình mới, năm học 2021 – 2022, các trường chuyên nghiệp tại Điện Biên đã có nhiều đổi mới, chuyển trọng tâm nhằm thích ứng kịp thời với thực tế và nhu cầu thị trường.
Ông Trần Bá Uẩn, quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, cho biết: Từ tháng 4/2021, trường lên kế hoạch và tổ chức quảng bá tuyển sinh cho năm học 2021 - 2022.
Do tình hình dịch Covid-19 tại địa phương diễn biến phức tạp đúng mùa cao điểm tư vấn tuyển sinh, nhà trường đã chuyển trọng tâm sang tuyển sinh trên các trang mạng xã hội, fanpage, website, Facebook, Zalo của giảng viên, viên chức, người lao động.
Việc tổ chức tuyển sinh và nhập học cũng được chia thành nhiều đợt. Trong đó, đợt 1 đã hoàn thành với 243 học sinh, biên chế vào 14 lớp, tương ứng 14 ngành đào tạo bậc trung cấp.
Đợt 2, tiếp tục tổ chức xét tuyển và nhập học bổ sung học sinh trung cấp, dự kiến nhập học vào cuối tháng 8. Đợt 3, tập trung vào xét tuyển và nhập học với đối tượng chủ yếu là sinh viên cao đẳng, dự kiến nhập học đầu tháng 10. Đợt 4, sẽ kéo dài đến tháng 12.
Cũng theo ông Uẩn, để khuyến khích, thu hút học sinh, sinh viên, nhà trường đã mở thêm một số ngành nghề mới: Ngành bán hàng trong siêu thị trình độ cao đẳng, trung cấp; chăn nuôi - thú y trình độ cao đẳng; nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn trình độ trung cấp.
Ngoài ra, trường cũng mở một số nghề ở trình độ sơ cấp theo thị hiếu như: Trang điểm thẩm mỹ, kỹ thuật vẽ móng; kỹ thuật tạo mẫu tóc, pha chế đồ uống…
Còn đối với Trường Cao đẳng Sư phạm, việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp được chú trọng bằng đa dạng hình thức. Bên cạnh trực tiếp, nhà trường thực hiện cả trên điện thoại, trực tuyến, thâm chí quay các clip hướng dẫn thí sinh để đăng tải trên website, fanpage của trường và tổ chức đoàn thanh niên.
Đặc biệt, những chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên thông tin, giải thích cụ thể đến phụ huynh. Thông qua đó giúp họ nắm bắt, đồng thời vận động, định hướng cho con em vào học tại trường.
Không nằm ngoài “chuyển động” tất yếu này, theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề, ngay từ đầu năm, đơn vị thành lập tổ công tác tuyển sinh trực tiếp đến các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông. Mục tiêu để tuyển sinh, kết hợp xây dựng hệ thống cộng tác viên (CTV) chính là giáo viên chủ nhiệm khối 9, 12.
Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thực hiện được việc tư vấn tuyển sinh trực tiếp, đội ngũ CTV được kích hoạt để triển khai công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp, tương tác trực tiếp với học sinh, phụ huynh…
Việc quảng bá hình ảnh nhà trường, ngành nghề đào tạo… được tận dụng tối đa thông qua hoạt động trải nghiệm trực tiếp tại một số trường THCS. Qua đó, trong đợt 1 tuyển sinh, mặc dù chỉ tiêu đề ra đối với hệ trung cấp là 150, song trên thực tế đã có 230 học sinh nhập học, với 6 lớp nghề. Hiện tại, có hơn 40 hồ sơ đăng ký học hệ cao đẳng, nhà trường đang tiếp tục nhận hồ sơ, với dự kiến nhập học trong tháng 9 tới.
Cũng theo ông Đoàn Thanh Quỳnh, với mục tiêu đào tạo phải “đi tắt đón đầu”, nhà trường đang chuyển trọng tâm từ đào tạo dài hạn sang ngắn hạn, thông qua hình thức liên kết. Hình thức trên được triển khai trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế của người dân cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.