Phiên họp do Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực tổ chức tập trung và trực tuyến với sự tham dự của các chuyên gia, các nhà khoa học của Tiểu ban Giáo dục phổ thông, các sở GD&ĐT, trường THPT chuyên trên cả nước, nhằm thu nhận các ý kiến, những sáng tạo trong việc triển khai mô hình trường THPT chuyên ở Việt Nam; những khó khăn, bất cập trong việc triển khai mô hình này giai đoạn 2022 – 2032 trong đề án mới.
Ông Bạch Đăng Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang chia sẻ: Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia luôn ổn định và xếp trong tốp 15 các trường THPT chuyên trong toàn quốc. Tỷ lệ học sinh đạt giải ngày càng tăng và chất lượng giải của Trường THPT Chuyên Bắc Giang 10 năm vừa qua ngày càng được khẳng định. Kết quả tham gia các kỳ thi HS giỏi khác là minh chứng cho thành công này. Việc Bắc Giang đã có các học sinh (HS) đạt giải quốc tế, là nhờ sự quan tâm của tỉnh ủy, HĐND và UBND ban hành nhiều chính sách để phát triển. “HS học trường chuyên hay được gọi là gà nòi nay đã được học tập theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực” – ông Khoa nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thúy Hà – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết, sau 10 năm thực hiện Đề án, Đồng Tháp có 2 trường THPT chuyên, từ đó đến nay trường đã phát triển vượt bậc với 60 lớp học/2000 HS; giáo viên (GV) đạt chuẩn đào tạo, một số đào tạo tại nước ngoài. Trường có cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng đào tạo, tỷ lệ HS giỏi tăng lên theo từng năm học, đặc biệt năm 2018 đã có HS đạt Huy chương Vàng quốc tế tại Rumania. Tuy nhiên, Đồng Tháp còn khó khăn, chất lượng HS giỏi quốc gia, quốc tế chưa ổn định, chưa có giải pháp lâu dài, CSVC còn thiếu thốn so với các trường trên cả nước; GV, HS còn khó khăn tiếp cận nguồn tài liệu học tập, đồng thời kiến nghị 3 giải pháp để trường phát triển.
Ý kiến của các chuyên gia đều khẳng định vai trò quan trọng của trường chuyên nhiều năm qua. GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, việc đào tạo ở Việt Nam hoàn toàn đảm bảo chất lượng cao nếu chúng ta có sự đầu tư nguồn lực. GS Đặng Vũ Bảo nêu suy nghĩ về việc phát triển trường chuyên, đến nay HS đi thi không chỉ là những giải thưởng lý thuyết mà các môn thực hành đều có giải cao điều này thể hiện sự hài hòa. Ông cho rằng giai đoạn tới nên xác định tên gọi tương đồng với nội hàm tư duy.
GS Nguyễn Quý Thanh cho rằng để hệ thống trường chuyên phát triển tốt hơn nên xác định rõ hơn sứ mạng của trường chuyên. Nên thống nhất trường chuyên với tên gọi, gắn với các trường đại học, có sự chia sẻ nguồn lực giữa các tổ chức đào tạo tốt, quy hoạch cần đa dạng hóa loại hình đào tạo theo các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật.
GS Nguyễn Hữu Đức cho rằng nên đánh giá, khảo sát thành công của HS chuyên trên các lĩnh vực...
Đại diện trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Viện Khoa học GD Việt Nam, Sở GD&ĐT Bắc Kạn, Trường THPT chuyên Nam Định… đều nhấn mạnh việc nên có hệ thống kết nối giữa trường chuyên và các trường đại học, truyền cảm hứng sáng tạo, để việc thực hiện đào tạo tốt hơn. Nên tận dụng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên ở các trường đại học. Mong muốn trường chuyên phải có vài trò trên nền chất lượng cao dẫn dắt các trường phổ thông bằng chương trình chất lượng; gắn với doanh nghiệ, với xã hội để tăng cường hiệu quả GD-ĐT. Mục tiêu và mô hình trường chuyên cần phải hướng đến không phải là nơi đào tạo gà nòi mà là trung tâm đào tạo tinh hoa cho xã hội.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia với nhiều kinh nghiệm đã đóng góp ý kiến xây dựng, định hướng phát triển trường chuyên trong giai đoạn mới. Đặc biệt kết quả thực hiện 10 năm thực hiện Đề án và xây dựng cho các năm tiếp theo. Thứ trưởng đồng tình với những hạn chế được đưa ra, ghi nhận các quan điểm trong việc xây dựng hệ thống chuyên trong giai đoạn mới, cần có nghiên cứu đánh giá tác động vai trò đóng góp phù hợp với thực tiễn đáp ứng yêu cầu, cũng như việc cần có sự chăm lo của nhà nước quan tâm giúp cho giáo dục có nguồn nhân lực chất lượng cao. Các khuyến nghị từ các chuyên gia, đề xuất giải quyết những vấn đề thực tiễn, sẽ được Tiểu ban GD phổ thông tiếp thu ý kiến, hoàn thiện báo cáo có sự điều chỉnh hợp lý.