Trong đó, phần I có thể chia thành các chuyên đề như chuyên đề bản đồ, chuyên đề trái đất, chuyên đề khí quyển, chuyên đề về thổ nhưỡng và sinh quyển…
Phần II có thể chia thành các chuyên đề như chuyên đề dân cư, chuyên đề nông nghiệp, chuyên đề công nghiệp…
Môn Địa lí lớp 11 sách cơ bản được chia làm hai phần: phần A. Khái quát nền kinh tế xã hội thế giới, phần B. Địa lí khu vực và quốc gia.
Đối với phần B mỗi quốc gia thường xây dựng thành một chuyên đề ví dụ như chuyên đề Hoa Kì, chuyên đề Liên minh Châu Âu, chuyên đề Liên bang Nga, chuyên đề Nhật Bản…
Vậy, cơ sở nào để phân chia thành các chuyên đề? Sự phân chia thành các chuyên đề trong dạy bồi dưỡng thường được thảo luận và thống nhất trong các buổi sinh hoạt nhóm chuyên môn. Đối với dạy học chuyên đề môn Địa lí, làm thế nào để dạy học môn Địa lí hiệu quả nhất?
Dưới đây là một vài kinh nghiệm của tôi:
Thứ nhất, ngay từ đầu năm học nhóm môn Địa lí đã thảo luận và thống nhất xây dựng kế hoạch giảng dạy chuyên đề chung cho cả ba khối 10, khối 11 và khối 12, sau đó giáo viên được phân công xây dựng kế hoạch chi tiết.
Nhóm trưởng tập hợp và gửi cho mỗi giáo viên một bộ kế hoạch chuyên đề của cả ba khối. Các thành viên trong nhóm phải có trách nhiệm giảng dạy đúng kế hoạch, đúng tiến độ quy định.
Trong sinh hoạt nhóm môn Địa lí, nhóm chúng tôi đã thống nhất và xây dựng được một bộ chuyên đề chuẩn để giảng dạy cả ba khối. Nhóm trưởng giao cho các giáo viên cụ thể, giáo viên dạy chuyên đề khối nào sẽ có trách nhiệm soạn đầy đủ chuyên đề của khối đó. Cuối năm, nhóm trưởng tập hợp các chuyên đề cả ba khối rồi gửi cho tất các các giáo viên trong nhóm địa.
Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, mỗi giáo viên cần linh hoạt và liên tục bổ sung cập nhật các kiến thức cho phù hợp với nội dung chương trình.
Thứ hai, đối với các em học lớp 10, trước khi dạy chuyên đề về kiến thức theo tôi cần dạy cho các em các kĩ năng cơ bản của môn Địa lí đó là:
+ Kĩ năng thực hành gồm: kĩ năng nhận dạng và vẽ các dạng biểu đồ gồm: biểu đồ đường, biểu đồ cột, biểu đồ kết hợp, biểu đồ tròn và biểu đồ miền; kĩ năng phân tích bảng số liệu; kĩ năng phân tích, đọc lược đồ, tập bản đồ, Atlat địa lí
+ Kĩ năng lí thuyết: nhận dạng và cách trả lời các câu hỏi trong học môn Địa lí gồm 4 dạng câu hỏi: dạng câu hỏi tại sao, dạng câu hỏi so sánh, dạng câu hỏi chứng minh và dạng câu hỏi trình bày.
Thứ ba, khi giảng dạy chuyên đề, mỗi khối thường chia thành nhiều chuyên đề bám sát sách giáo khoa. Đối với mỗi chuyên đề theo tôi phải có hai phần:
Phần I là toàn bộ kiến thức cơ bản của chuyên đề đó, kiến thức cơ bản này phải bám sát sách giáo khoa; phần II là hệ thống câu hỏi và bài tập của chuyên đề đó bao gồm các câu hỏi để nâng cao kiến thức và các câu hỏi trong bài, cuối bài theo sách giáo khoa.
Khi xây dựng hệ thống câu hỏi nên chia theo các dạng câu hỏi lí thuyết gồm câu hỏi dạng giải thích, câu hỏi dạng chứng minh, câu hỏi dạng so sánh và câu hỏi dạng trình bày đề học sinh nhận dạng và cách trả lời.
Môn Địa lí là môn học trừu tượng trong quá trình dạy học phải kết hợp với hệ thống trang ảnh, bản đồ Atlat thì dạy học mới mang lại hiệu quả cao.
Thứ tư, trong quá trình dạy học phải kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là kiểm tra miệng và phải lấy điểm để đánh giá vào kết quả học tập. Một em học sinh giáo viên phải kiểm tra nhiều lần và kiểm tra bất kì lúc nào.
Kiểm tra và lấy điểm kiểm tra để đánh giá sẽ là động lực bắt buộc các em phải học, không đối phó. Ngoài kiểm tra miệng, cần có kiểm tra khảo sát và đặc biệt khi kiểm tra không được phép giới hạn kiến thức.
Qua các lần kiểm tra, giáo viên phải phân loại được theo từng đối tượng học sinh theo từng mức: giỏi, khá và trung bình, yếu để từ đó có biện pháp dạy phù hợp với từng đối tượng, như vậy, mới đạt được hiệu quả giảng dạy.
Cuối cùng, chương trình dạy chuyên đề cần được thường xuyên trao đổi trong các buổi sinh hoạt chuyên môn để đánh giá: tiến độ giảng dạy, nội dung giảng dạy, đề kiểm tra khảo sát có phù hợp với học sinh hay không, khó hay dễ, nội dung chuyên đề đủ hay chưa, cần bổ sung những gì…