Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học các trường công an

GD&TĐ - Công tác đào tạo sau đại học góp phần quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ công an có trình độ chuyên môn cao và chuyên sâu.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Chiều 27/10, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới công tác đào tạo sau đại học đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo - Thiếu tướng Trịnh Ngọc Quyên - Giám đốc Học viện An ninh nhân dân - nhấn mạnh: Công tác đào tạo sau đại học trong công an nhân dân được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm, chú trọng đổi mới toàn diện từ ngành đào tạo, nội dung, chương trình đào tạo đến đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Từ năm 1992 đến nay, các nhà trường công an đã tuyển sinh đào tạo 13.354 học viên cao học và 1.828 nghiên cứu sinh. Các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong công an nhân dân đã được thay đổi, điều chỉnh kịp thời theo từng giai đoạn nhằm phù hợp với các quy định của Nhà nước và thực tiễn công tác công an đặt ra.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo.

Mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ thường xuyên được đổi mới, cập nhật, bám sát yêu cầu đổi mới đào tạo sau đại học của đất nước, yêu cầu thực tiễn công tác bảo vệ an ninh trật tự cũng như bố trí, sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao của ngành công an.

Sau hơn 30 năm triển khai công tác đào tạo sau đại học trong CAND, đội ngũ cán bộ công an đã được nâng cao về trình độ và năng lực nghiệp vụ. Hiện nay, trong lực lượng công an, tỷ lệ cán bộ có trình độ tiến sĩ đạt 0,17%; trình độ thạc sĩ đạt 2,1% trên tổng số cán bộ chiến sĩ toàn ngành.

Công tác đào tạo sau đại học đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ công an “vừa hồng, vừa chuyên”, có trình độ chuyên môn cao và chuyên sâu, là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng công an ở các địa phương trong cả nước.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - chia sẻ tại hội thảo.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - chia sẻ tại hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Đào tạo sau đại học tại các cơ sở giáo dục đại học của ngành CAND có nhiều điểm khác với các cơ sở giáo dục đại học đào tạo dân sự.

Những mã ngành đào tạo của các trường CAND chủ yếu tập trung trong phạm vi lĩnh vực chuyên môn của lực lượng CAND cả về lý luận và thực tiễn song chất lượng và tiêu chuẩn đào tạo vẫn phải tuân thủ những điều kiện và chuẩn đầu ra của Bộ GD&ĐT được áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống, đồng thời phù hợp với đặc thù, yêu cầu cụ thể của lực lượng CAND.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong đào tạo sau đại học của lực lượng CAND thời gian qua, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học đề nghị Bộ Công an tiếp tục thực hiện việc rà soát, cập nhật các văn bản pháp luật liên quan của cơ sở với những tiêu chuẩn học thuật tiệm cận với chuẩn chất lượng của khu vực và thế giới có tính đến đặc thù của của ngành công an đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng CAND.

Đồng thời đẩy mạnh việc gắn kết đào tạo sau đại học với nghiên cứu khoa học; thực hiện cập nhật định kỳ và ban hành chương trình đào tạo theo quy định tại Thông tư số 17/2021 của Bộ GD&ĐT ngay sau khi chuẩn chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực an ninh do Bộ Công an chủ trì xây dựng và được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Các tham luận tại Hội thảo đều thống nhất cho rằng, đổi mới sau đại học trong công an nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, gắn đào tạo với quy hoạch, phát triển nguồn lực chất lượng cao, đặc biệt coi trọng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy, đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ có trình độ cao trên một số lĩnh vực đủ sức giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn, nghiên cứu và tham mưu chiến lược, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ