Chuyên gia quốc tế đề xuất giải pháp '3 điểm' trong đào tạo sau đại học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuyên gia nước ngoài gợi mở giải pháp “3 điểm” được phát triển ở hệ thống sau đại học. Đây là xu hướng phát triển trong tương lai.

Sinh viên Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.
Sinh viên Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.

Giải pháp “3 điểm”

Giải pháp trên được GS.TS Philip Hallinger đến từ Đại học Mahidol (Bangkok, Thái Lan) chia sẻ tại Hội thảo quốc tế ‘Đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học theo định hướng ứng dụng: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam’ do Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tổ chức ngày 16/9.

Nhắc đến giải pháp “3 điểm” được phát triển ở hệ thống sau đại học, GS.TS Philip Hallinger nhấn mạnh, các trường cần trả lời 3 câu hỏi: quá trình thực hành bền vững như thế nào? Các trường đã dùng bao nhiêu nguồn năng lực cho quá trình đảm bảo bền vững? Các trường đã thực hiện như thế nào cho phát triển bền vững?

“Theo đó, giảng viên thực hiện “3 điểm” như thế nào trong quá trình giảng dạy. Đây là xu hướng trong tương lai” - GS.TS Philip Hallinger nói và nhận thấy, sinh viên rất ham học nhưng đôi khi thách thức lại xuất phát từ phương pháp giảng dạy.

Vì vậy, nguyên tắc mà các trường cần định hướng là: Bạn đã làm gì để sinh viên yêu thích đến trường, hành động của bạn đã làm gì để hỗ trợ cho việc dạy – học; định hướng, chỉ đạo của nhà trường như thế nào để giúp cho sinh viên học tập tốt nhất.

GS.TS Philip Hallinger chia sẻ tại Hội thảo.

GS.TS Philip Hallinger chia sẻ tại Hội thảo.

Nhìn nhận về quá trình đổi mới, GS.TS Philip Hallinger cho rằng, chúng ta hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé và đưa những vấn đề thực tiễn vào giảng dạy. Tất nhiên, để có kết quả, cần có thời gian.

Cũng theo GS.TS Philip Hallinger, các trường đại học không chỉ tập trung vào giáo dục, đào tạo theo truyền thống, mà cần quan tâm hơn đến vấn đề môi trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Ban tổ chức đã nhận được hơn 120 bản đăng ký tham luận của các tác giả/nhóm tác giả trong nước và nước ngoài. Qua 2 vòng phản biện, Ban tổ chức chọn ra 79 bài đăng toàn văn trong Kỷ yếu Hội thảo (chỉ số ISBN 978-604-364-687-0).

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô cho hay, năm 2021, một số cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam nằm trong nhóm các trường đại học tốt trên thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Đến nay, nhân lực một số ngành của Việt Nam như: y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng đã đạt trình độ khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực trình độ cao nói chung, trong đó có đào tạo sau đại học vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Đảm bảo chất lượng bên trong

Từ thực tế trên, Hội thảo cùng nhau đánh giá về xu thế, nhu cầu; cơ hội và thách thức; quy trình bảo đảm chất lượng; định hướng phát triển đào tạo, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo và phục vụ cộng đồng; Chuẩn đào tạo theo chương trình đào tạo; hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và bên ngoài; quan hệ hợp tác “Cơ sở đào tạo - Người học - Xã hội/Bên sử dụng tốt nghiệp”.

Hội thảo không chỉ trao đổi sâu sắc và nghiêm túc về những vấn đề khoa học liên quan đến đào tạo sau đại học, chất lượng, đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học theo định hướng ứng dụng, mà còn tăng cường trao đổi khoa học, liên kết các nhà khoa học của các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, trung tâm đảm bảo chất lượng giáo dục;

Đồng thời, tăng cường sự hiểu biết và gắn kết giữa các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên với các chuyên gia, nhà khoa học của các nước trong khu vực và trên thế giới.

PGS.TS Phạm Quốc Khánh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS Phạm Quốc Khánh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Quốc Khánh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, một trong những trụ cột là hệ đảm bảo chất lượng bên trong của các cơ sở giáo dục đại học. Việc này không ai làm tốt hơn chính là từ các cơ sở đào tạo.

Theo PGS.TS Phạm Quốc Khánh, để triển khai đảm bảo chất lượng bên trong có bộ tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT và Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Hai bộ tiêu chuẩn này áp dụng chung cho các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam và áp dụng chung cho đào tạo trình độ đại học, trong đó có đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

PGS.TS Phạm Quốc Khánh đề nghị, sau hội thảo, Ban tổ chức có tổng thuật, gửi kèm theo tài liệu để Cục Quản lý chất lượng tham khảo khi tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 04 và Thông tư 12 nêu trên.

Đông đảo chuyên gia trong nước, quốc tế và sinh viên của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tham dự Hội thảo.

Đông đảo chuyên gia trong nước, quốc tế và sinh viên của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tham dự Hội thảo.

Hội thảo ‘Đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học theo định hướng ứng dụng: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam’ là hội thảo quốc tế lớn nhất mà Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã từng tổ chức và nằm trong chuỗi các Hội thảo năm 2023 của Nhà trường. Hội thảo được tổ chức thành 3 phiên (1 phiên chính buổi sáng và 2 phiên buổi chiều). Các phiên thảo luận song song về các chủ đề chuyên sâu, với sự chủ trì của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội và các diễn giả nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.