Trước những thách thức với đào tạo sau đại học lĩnh vực khoa học giáo dục vùng Đồng bằng sông Cửu Long, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Đồng Tháp chia sẻ các giải pháp khắc phục khó khăn này.
Ít chuyên ngành
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của việc nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học lĩnh vực khoa học giáo dục trong bối cảnh hiện nay?
“Hiện có 8 trường đào tạo lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng chỉ có 18 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ tại 4 trường; 4 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ tại 3 trường. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu đào tạo sau đại học cho 30% đội ngũ giáo viên phổ thông của khu vực trong những năm tới gần như chưa có lời giải”. - PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Đệ
- Vai trò quan trọng của giáo dục đại học là đáp ứng thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và gắn với thị trường lao động. Các cơ sở giáo dục đại học phải đào tạo ra những người có năng lực hòa nhập, làm việc tập thể đồng bộ, tự cập nhật thường xuyên kiến thức, chiếm lĩnh, thành thạo chuyên môn mới.
Đặc biệt, người được đào tạo cần phát triển tối ưu năng lực trí tuệ, biết đặt và giải quyết vấn đề của một cán bộ kỹ thuật, nhà quản lý, giáo dục, quản trị doanh nghiệp năng động.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực sau đại học ở lĩnh vực khoa học giáo dục luôn là mục tiêu mang tính chiến lược của cơ sở giáo dục trong bối cảnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Với các trường đại học, nguồn nhân lực chất lượng cao - đội ngũ giảng viên chiếm vị trí cốt lõi, chủ đạo trong hoạt động đào tạo sau đại học. Đồng thời, giảng viên là chủ thể, yếu tố quan trọng gắn liền với chất lượng đào tạo, hiệu quả nghiên cứu khoa học.
- Theo ông, hoạt động đào tạo sau đại học lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên hiện nay có đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng?
- Tôi không đủ dữ liệu để đánh giá thực trạng hoạt động đào tạo sau đại học lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên trên phạm vi rộng. Xin được chia sẻ nội dung này ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Những năm qua, các trường đại học vùng Đồng bằng sông Cửu Long không ngừng cải tiến, phát huy nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo sau đại học lĩnh vực khoa học giáo dục và giáo viên. Công tác tư vấn, hỗ trợ, phục vụ người học được các trường quan tâm. Người học sau khi tốt nghiệp sau đại học cơ bản đáp ứng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; có nền tảng, điều kiện để tiếp tục phát triển.
Đồng thời, đội ngũ giảng viên các trường đại học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã nhận được nhiều chính sách ưu đãi. Trong đó phải kể đến chính sách hỗ trợ giảng viên đi học nhằm nâng cao trình độ từ nguồn ngân sách của tỉnh, thành phố thông qua “Chương trình Mêkông 1000”. Các dự án từ vốn vay, hiệp định song phương được ghi nhận là “điểm sáng”, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cũng như có nền tảng, điều kiện để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng.
Tuy nhiên, mức độ đáp ứng nhu cầu của người học về hoạt động đào tạo sau đại học lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa đạt như mong muốn. Trong đó, hạn chế lớn nhất là số lượng chuyên ngành đào tạo sau đại học quá ít.
Bên cạnh đó, người học chưa chủ động sắp xếp thời gian học trên lớp; mong đợi ở giảng viên quá nhiều về tài liệu học tập, bài giảng. Không nhiều người tự thu thập tài liệu, nghiên cứu trước nội dung học phần theo đề cương, dẫn đến chưa hiểu hết ý nghĩa, nội hàm từng mục, luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học, nên hiệu quả đào tạo chưa cao.
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Đồng Tháp. |
Thiếu đội ngũ giảng viên đầu ngành
- Nguyên nhân của những hạn chế nói trên do đâu, thưa ông?
- Nguyên nhân chính phải kể đến do đội ngũ giảng viên có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư của các trường đại học tham gia đào tạo lĩnh vực này trong vùng rất ít; hẫng hụt giảng viên đầu ngành và thế hệ giảng viên trẻ kế cận.
Cụ thể, đội ngũ giảng viên lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2 giáo sư, tiến sĩ; 39 phó giáo sư, tiến sĩ; 217 tiến sĩ. Trong đó, 4 trường đào tạo lĩnh vực này không có giáo sư, phó giáo sư; rất ít giảng viên trình độ tiến sĩ. Do vậy, các trường khó đủ điều kiện về đội ngũ để mở thêm ngành đào tạo sau đại học.
Kết quả nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên còn thấp. Số lượng đề tài nghiên cứu, công trình công bố quốc tế lĩnh vực khoa học giáo dục không tương xứng với chức năng quan trọng mà giảng viên phải đảm nhận. Từ đó tác động trực tiếp đến chất lượng đào tạo sau đại học như: Học viên cao học, nghiên cứu sinh không được rèn luyện nhiều về kỹ năng, tư duy nghiên cứu khoa học.
Chúng tôi cho rằng, thách thức đang đặt ra trong quản lý hoạt động đào tạo nguồn nhân lực sau đại học do vùng Đồng bằng sông Cửu Long cách xa các trung tâm lớn, gây ra tác động ngược chiều với sức thu hút từ các trường đại học.
Việc “mời gọi” giảng viên có học hàm, học vị cao về công tác nơi đây gần như không thể. Và trên thực tế, dòng chảy chất xám cao cấp cứ xuôi một chiều đi ra, ít khi có chiều ngược lại. Đó cũng là lý do các trường đại học trong vùng khó tìm đủ đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo sau đại học lĩnh vực khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên.
Khắc phục thế nào?
- Theo ông, cần những giải pháp nào để khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên?
- Biện pháp đầu tiên, theo tôi, cần tăng cường hoạt động liên kết đội ngũ các nhà khoa học tham gia đào tạo sau đại học. Việc này có thể thực hiện qua xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng; chú trọng triển khai nội dung liên kết đào tạo giảng viên trên các lĩnh vực.
Theo đó, các trường chủ động tập hợp danh sách giảng viên thỉnh giảng. Đó là những giảng viên, chuyên gia đang trực tiếp giảng dạy ở các trường đại học hoặc đã nghỉ hưu nhưng vẫn đủ điều kiện sức khỏe, nhiệt huyết; có phẩm chất, năng lực, trình độ cao. Danh sách đề xuất giảng viên thỉnh giảng cũng có thể là đội ngũ nhà khoa học ở cơ quan, viện nghiên cứu trong nước và khu vực; giáo sư là người Việt Nam từ nước ngoài.
Giờ học tại Trường Đại học Đồng Tháp. Ảnh: NVCC |
Đối với giáo sư từ nước ngoài về tham gia đào tạo, các trường phải quan tâm đến 2 vấn đề: Tìm và lôi kéo được họ. Muốn vậy, cần giải pháp “sáng tạo”, chấp nhận có giáo sư chỉ về 2 đến 3 tháng mỗi năm; song yêu cầu họ cam kết duy trì việc này trong 3 đến 5 năm, để các trường chủ động lập chương trình giảng dạy. Điều quan trọng là khơi dậy trong đội ngũ này tình cảm với quê hương, hiệu quả đóng góp và niềm hãnh diện của mỗi người.
Về liên kết đội ngũ giảng viên, có thể qua chia sẻ hoạt động và định hướng thông tin. Hoạt động này chủ yếu diễn ra ở phương diện sưu tầm, cập nhật, cung cấp thông tin chuyên môn, nghiệp vụ theo từng lĩnh vực hay môn học. Giảng viên được thường xuyên chia sẻ theo hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp bằng các loại hình cung cấp miễn phí qua mạng hoặc trao đổi dịch vụ thông tin. Hoạt động này rất quan trọng nhằm bảo đảm sự lưu chuyển có định hướng nguồn lực tri thức, trí tuệ - tài sản vô giá giữa các trường.
Đồng thời, giảng viên các trường liên kết để biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo; thực hiện đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp. Hiện, số giảng viên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học chưa nhiều, không thường xuyên. Để khắc phục, mỗi trường phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Theo đó, cần hình thành hệ sinh thái nghiên cứu giữa các trường trong vùng, trong nước và nước ngoài thông qua nhóm nghiên cứu mạnh. Điều này giúp bảo đảm chất lượng cho các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học cấp vùng, Nhà nước...
Biện pháp thứ 2 là đổi mới hoạt động đào tạo sau đại học. Trong đó, phát triển chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình GDPT 2018; cần phản ánh trung thực chuẩn đầu ra, có sự tham gia, đóng góp ý kiến của các bên liên quan; chú trọng ý kiến của người học, nhất là người học đã tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ.
Đồng thời, xây dựng đề cương chi tiết học phần theo định hướng tăng cường tính chủ động cho người học, phát huy tinh thần tự học, nghiên cứu. Đề cương này phải thể hiện được tính chủ động, sáng tạo bằng cách giảm bớt thời gian trên lớp cho người học; kết hợp tự học, học online, tự nghiên cứu.
Đặc biệt, với đề cương học phần, ngoài thể hiện được năng lực theo chuẩn đầu ra, đảm bảo chất lượng, phải có yêu cầu khác như tính quản lý, kiểm soát, dễ sử dụng. Có biện pháp gắn kết chặt chẽ giữa học và hành. Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ quá trình tự học, nghiên cứu, cũng như đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra từng học phần của người học.
Cùng đó, tiếp nhận, xử lý kết quả phản ánh từ người học khách quan để có động thái thích hợp nâng cao chất lượng các hoạt động tư vấn, tham mưu, phục vụ hoạt động dạy học. Có thể tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên.
Đồng thời, cần môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp để thu hút, tạo hứng khởi cho người học. Hệ thống văn bản, hướng dẫn, quy trình, biểu mẫu rõ ràng để người học dễ dàng tiếp cận, thực hiện. Các yêu cầu chính đáng của người học sẽ được đáp ứng trong thời gian quy định.
Biện pháp cuối cùng là tăng cường công tác bảo đảm chất lượng đào tạo sau đại học. Theo đó, mỗi trường cần hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo; tăng cường sự minh bạch; gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong đào tạo trên tinh thần thực hiện tự chủ đại học và nâng cao trách nhiệm giải trình theo Luật Giáo dục đại học.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao, Bộ GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo các cơ sở đào tạo tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học. Do vậy, nhà trường cần tập trung vào những nội dung như: Kiện toàn hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; tăng cường kiểm định các chương trình đào tạo sau đại học theo chuẩn quốc tế; định kỳ rà soát điều kiện bảo đảm chất lượng, nhất là giảng viên cơ hữu.
Các trường cũng cần thực hiện nghiêm quy định trong quy trình đào tạo sau đại học, từ tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc xét duyệt đề tài, định hướng và nội dung nghiên cứu bảo đảm đáp ứng yêu cầu về giá trị khoa học, thực tiễn. Tăng cường công khai, minh bạch danh mục đề tài luận văn, luận án, người thực hiện, hướng dẫn, nội dung các luận văn, luận án trên trang thông tin điện tử theo quy định.
Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của nghiên cứu sinh, học viên cao học, người hướng dẫn, nhà khoa học là phản biện độc lập/thành viên các hội đồng. Đề cao liêm chính khoa học, tránh nể nang, dễ dãi trong hướng dẫn, đánh giá, phản biện luận văn, luận án.
- Trân trọng cảm ơn ông!
“Với thực tiễn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các trường đại học cần nhận thức sâu sắc rằng, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học trong vùng là chương trình đào tạo bổ sung, làm phong phú khối kiến thức về kỹ năng lãnh đạo và quản lý; kết nối nghiên cứu lý luận và thực tiễn; kiểm soát, chú trọng phát huy vai trò của người học.
Đồng thời, thực hiện liên kết đội ngũ giảng viên các trường đại học ở trong và ngoài nước, vận hành theo cơ chế mở với định hướng tăng tiềm lực hoạt động đào tạo sau đại học, tạo sự cộng hưởng tích cực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học”. - PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Đệ