Tháo gỡ 'nút thắt' về chất lượng đào tạo sau đại học

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, đào tạo sau đại học vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh minh họa: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh minh họa: NTCC

Chất lượng chưa tỷ lệ thuận với số lượng

Những năm gần đây, số lượng cơ sở đào tạo sau đại học có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, theo TS Ngô Văn Hiệp – giảng viên Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, chất lượng chưa tỷ lệ thuận với số lượng cơ sở đào tạo sau đại học. Một số đơn vị có chất lượng đào tạo chưa cao dẫn đến đầu ra của thạc sĩ, tiến sĩ còn thấp.

Trừ một số đơn vị có uy tín, còn không ít cơ sở đào tạo sau đại học vẫn áp dụng các chương trình lạc hậu, chậm thay đổi và chưa sát với yêu cầu cấp thiết của xã hội. Có chương trình đào tạo sau đại học còn không phù hợp với xu hướng chung của các nước trong khu vực và trên thế giới; nội dung chương trình trùng lặp, nhắc lại kiến thức của bậc đại học.

“Vẫn có tình trạng “chạy đua” lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ, từ đó hình thành thạc sĩ, tiến sĩ “giấy””, TS Ngô Văn Hiệp viện dẫn và cho rằng, đây là nguyên nhân cơ bản làm cho chất lượng đào tạo sau đại học chưa cao, dẫn đến không ít học viên cao học, nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp còn khó khăn khi xin việc, hoặc khi đi làm chậm thích ứng với yêu cầu của thực tiễn, không phát huy được hiệu quả sức lao động tương ứng với học vị được công nhận. Thực tiễn nêu trên đòi hỏi cần phải cải cách mạnh mẽ liên quan đến chương trình đào tạo sau đại học.

“Qua theo dõi, một số người có bằng thạc sĩ, nhưng chất lượng công việc không hơn người có bằng cử nhân, kỹ sư. Đây cũng là một trong những lý do khiến chúng tôi không đặt nặng tiêu chí bằng cấp”, ông Lộc trao đổi.

Là người sử dụng lao động, ông Đinh Văn Lộc – Chủ tịch Công ty Cổ phần OnNet cho hay, khi tuyển dụng, công ty không đặt vấn đề ứng viên phải có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ. Quan trọng là năng lực, thái độ làm việc và hiệu quả công việc.

Tháo gỡ “nút thắt”

Tại Hội thảo quốc tế “Đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học theo định hướng ứng dụng: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” do Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tổ chức, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) có tham luận “Đào tạo sau đại học ở Việt Nam: Vấn đề và giải pháp”. Trong tham luận, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc đề cập đến vấn đề chất lượng đào tạo sau đại học, với nút thắt đầu tiên là chưa có quy hoạch tốt.

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc nhìn nhận, những năm qua, chất lượng đào tạo sau đại học chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra, chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước trong giai đoạn đổi mới ngày càng mạnh mẽ. Trái với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng, chất lượng đào tạo thạc sĩ còn hạn chế và đáng lo ngại. Vẫn không ít thạc sĩ, tiến sĩ yếu về kiến thức chuyên ngành.

Học viên Trường ĐH Thủ đô Hà Nội. Ảnh minh họa/NTCC.
Học viên Trường ĐH Thủ đô Hà Nội. Ảnh minh họa/NTCC.

Ngoài ra, hiệu quả học ngoại ngữ và tin học của một bộ phận học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo cũng chưa cao. Đồng thời, thực trạng đào tạo tiến sĩ của một số cơ sở cho thấy chất lượng các nghiên cứu chưa đảm bảo.

Việc thực hiện các chuyên đề tiến sĩ còn mang tính hình thức, chưa coi trọng phương pháp nghiên cứu. Tính sáng tạo, những đóng góp mới, thiết thực có giá trị khoa học và thực tiễn của các luận văn, luận án trong thời gian gần đây tuy có tiến bộ, song chưa nhiều.

Không ít luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ chưa đủ tầm khoa học hoặc không giải quyết được vấn đề học thuật; chưa cập nhật trình độ phát triển khoa học công nghệ hay phục vụ thiết thực các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và khoa học ở nước ta. Nhiều nghiên cứu sinh có số bài viết đủ mức quy định tối thiểu hoặc viết đối phó để lấy công trình, nên chất lượng bài báo chưa cao.

Sau đào tạo, nhiều cán bộ khoa học chưa hình thành được khả năng độc lập nghiên cứu và có thể xem đây là hạn chế căn bản của đào tạo sau đại học. “Thiết nghĩ, cần làm rõ nguyên nhân để có giải pháp tháo gỡ hiệu quả”, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc nhấn mạnh.

Nhằm tháo gỡ “nút thắt” về chất lượng đào tạo sau đại học, GS.TS Philip Hallinger đến từ ĐH Mahidol (Bangkok, Thái Lan) chia sẻ, các trường cần trả lời 3 câu hỏi: Quá trình thực hành bền vững như thế nào? Các trường đã dùng bao nhiêu nguồn năng lực cho quá trình đảm bảo bền vững? Nhà trường đã thực hiện như thế nào cho phát triển bền vững?

GS.TS Philip Hallinger nhận thấy, người học rất ham học nhưng đôi khi thách thức lại xuất phát từ phương pháp giảng dạy của giảng viên. Vì vậy, nguyên tắc mà các trường cần định hướng tới giảng viên là: Bạn đã làm gì để sinh viên yêu thích đến trường; hành động của bạn là gì để hỗ trợ cho việc dạy - học; định hướng, chỉ đạo của nhà trường như thế nào để giúp sinh viên học tập tốt nhất. Ngoài ra, các trường đại học không chỉ tập trung vào giáo dục, đào tạo theo truyền thống, mà cần quan tâm hơn đến vấn đề môi trường.

Để đạt được chất lượng cũng như hiệu quả đào tạo sau đại học, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc đề xuất, trước hết phải đảm bảo số lượng và chất lượng của các cơ sở đào tạo sau đại học; đồng thời bảo đảm đội ngũ giáo viên, nhà khoa học; tuyển chọn đúng đối tượng đào tạo, tức là phải tiến hành quy hoạch đào tạo.

Cùng với đó, rà soát cơ cấu ngành nghề đào tạo để có cơ sở đề xuất các giải pháp điều chỉnh phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và từng lĩnh vực, ngành khoa học nói riêng.

Ngoài ra, cần tiến hành phân cấp quản lý triệt để và toàn diện cho các cơ sở đào tạo sau đại học. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kiểm định và đảm bảo chất lượng cả về cơ chế chính sách và cơ quan giám sát; Hoàn thiện chính sách, chế độ đối với đội ngũ giáo viên, nhà khoa học, người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ để tạo động lực, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học.

TS Ngô Văn Hiệp nhấn mạnh, đổi mới đào tạo sau đại học là vấn đề cấp thiết, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra ngày một sâu rộng. Tuy nhiên, việc này không được nóng vội mà cần tiến hành cẩn trọng theo định hướng khoa học với những giải pháp cụ thể, có tính khả thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.