Nâng cao chất lượng cán bộ thực hiện chương trình xóa mù chữ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bồi dưỡng năng lực giáo viên thực hiện công tác xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm.

Cô giáo Lương Thị Xoan, Trường PTDTBT Tiểu học Lũng Chinh luôn tâm huyết với lớp học xóa mù chữ. Ảnh: Minh Chuyên
Cô giáo Lương Thị Xoan, Trường PTDTBT Tiểu học Lũng Chinh luôn tâm huyết với lớp học xóa mù chữ. Ảnh: Minh Chuyên

Những giáo viên tâm huyết

Những ngày cuối năm ở vùng biên giới Mèo Vạc (Hà Giang), cái rét bao phủ khắp các dãy núi đồi. Thế nhưng, không khí tại lớp học xóa mù chữ ở thôn Mèo Vống, xã Lũng Chinh lại rất “nóng”.

Vừa kết thúc bài tập đánh vần tại lớp học xóa mù chữ, cô Lương Thị Xoan, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Lũng Chinh (chủ nhiệm lớp xóa mù chữ) cho biết, đây là lớp học khá đặc biệt nên phương pháp giảng dạy cũng khác. Điều đặc biệt của lớp học này là học viên ở nhiều độ tuổi, từ thanh niên đến các chị lớn tuổi, thậm chí có cả cụ già. Trong lớp học có người không biết chữ và có cả người tái mù chữ. Yêu cầu đối với giáo viên đứng lớp là sự tận tâm, tỉ mỉ và luôn biết tạo không khí cho học viên hứng khởi trong quá trình học tập.

Dù bận việc nương rẫy, gia đình nhưng các học viên của lớp học vẫn có mặt đông đủ tại lớp. Điều đó cho thấy, người dân nơi đây đã nhận thức rõ lợi ích của việc đến lớp học chữ, nhờ vậy lớp học thu hút ngày càng nhiều học viên và duy trì ổn định.

Cũng như cô Xoan, thầy giáo Hoàng Văn Tằng được đơn vị phân công làm chủ nhiệm lớp xóa mù thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh.

Thầy Tằng tâm sự: Cái khó nhất của xóa mù chữ đó là vận động được các học viên đến lớp và duy trì được sỹ số từ đầu đến khi hoàn thành chương trình. Đó thực sự là một “cuộc chiến” dài hơi của các giáo viên xóa mù. Học viên nhiều khi lớn tuổi hơn giáo viên, đồng bào lại giàu lòng tự trọng, bởi vậy giáo viên phải ý tứ trong từng câu nói để làm sao khuyến khích học viên cố gắng mà không khiến học viên xuất hiện mặc cảm.

Tất nhiên, để lựa chọn giáo viên tham gia các lớp xóa mù chữ, ban giám hiệu các nhà trường cũng phải cân nhắc rất kỹ. Trước hết đó phải là những giáo viên có kinh nghiệm trong giảng dạy, nhiệt tình, có tâm huyết, sinh sống gần các điểm lớp xóa mù chữ.

Đường đến các lớp xóa mù chữ ở thôn bản đa phần là khó khăn nên công việc của các giáo viên xóa mù chữ cũng vì thế mà vất vả hơn nhiều. Từ bản nọ sang bản kia, nhìn thì gần nhưng cũng mất cả tiếng chạy xe máy với những cung đường ngoằn ngoèo, dốc cao hay qua những đập tràn mênh mông mỗi khi có mưa rừng đột ngột đổ về. Đường sá đi ban ngày đã khó nói gì đến buổi đêm, nhất là khi xe hỏng hóc thì quả là một thử thách không nhỏ đối với các giáo viên, đặc biệt là các giáo viên nữ.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác xóa mù chữ là nhiệm vụ cấp bách, cốt lõi. Ảnh: Minh Giàng

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác xóa mù chữ là nhiệm vụ cấp bách, cốt lõi. Ảnh: Minh Giàng

Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên

Để đáp ứng nhu cầu đổi mới của xã hội, đối với hệ thống giáo dục việc nâng cao chất lượng bồi dưỡng năng lực dạy và học là một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho những nhà quản lí cũng như mỗi người giáo viên. Chất lượng giảng dạy và giáo dục của nhà trường phụ thuộc phần lớn đội ngũ giáo viên, chính vì vậy đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải luôn trau dồi nâng cao tay nghề chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Điều đó cũng đúng với công tác xóa mù chữ khi công tác giáo dục bồi dưỡng năng lực giáo viên nói chung và bồi dưỡng công tác thực hiện xóa mù chữ nói riêng là một trong những nhiệm vụ không thể thiếu được trong mỗi nhà trường.

Ông Đào Mai Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Tiến, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) nêu quan điểm, muốn xây dựng trường học tốt, nâng cao chất lượng dạy và học nói chung và dạy xóa mù cho người dân còn mù chữ nói riêng, mỗi thầy, cô giáo phải nâng cao công tác bồi dưỡng trình độ người thầy về mọi mặt, rèn luyện phẩm chất chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, đoàn kết nhất trí, có tinh thần trách nhiệm cao trong mọi công việc và thật sự có tấm lòng thương yêu, chia sẻ đối với học viên lớn tuổi khi không biết chữ và cũng như bất cứ ngành nghề nào khác, trình độ đào tạo ban đầu của người giáo viên chỉ là điểm xuất phát, là vốn kiến thức và kĩ năng khởi nghiệp.

Để nâng cao chất lượng cán bộ, giáo viên làm công tác xóa mù chữ, ông Đào Mai Huy cũng cho rằng, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, giáo viên thực hiện bồi dưỡng chương trình xóa mù chữ; Hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch và soạn giáo án dạy xóa mù chữ, trong đó, tổ chức dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm. Học thông qua chơi tạo hứng thú cho người học, kết nối với giáo viên...

Công tác xóa mù chữ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cũng vì thế việc nâng cao chất lượng cán bộ, giáo viên, người làm công tác xóa mù chữ cũng là nhiệm vụ cấp bách và cốt lõi. Cần đảm bảo việc thực hiện hỗ trợ chi phí ăn, ở, đi lại cho các đối tượng tình nguyện viên tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ...Một khi chế độ được đảm bảo, công sức được trả một cách xứng đáng thì cán bộ, giáo viên làm công tác xóa mù chữ sẽ yên tâm hơn để cống hiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ