Thực hiện điều này không thể tách rời duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục bền vững ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Trong khi đó, với địa hình đặc thù, đi lại khó khăn, cách trở, học sinh khó có thể đi học rồi trở về nhà trong ngày, lại là nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nâng cao chất lượng giáo dục ở những nơi này chưa bao giờ có lời giải dễ dàng.
Một trong những giải pháp mà hiệu quả đã được chứng minh nhiều năm nay, đó là xây dựng các mô hình trường chuyên biệt, giúp đưa học sinh đến trường, tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Hai loại hình: Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) ra đời với mục tiêu đó.
Từ khi có quy chế hoạt động (từ năm 2016 với trường PTDTNT và 2010 với trường PTDTBT), hai loại hình trường này đã ngày càng phát triển. 325 trường PTDTNT ở 49 tỉnh/thành (tính đến hết năm học 2019 - 2020) đã khẳng định được thế hàng đầu về chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Trường PTDTBT, với quy mô lớn hơn (1.124 trường, tính đến hết năm học 2019 - 2020) khẳng định được vai trò to lớn trong huy động học sinh tiểu học, THCS trong độ tuổi đến trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Có thể nói, hoạt động của mô hình trường PTDTNT, PTDTBT trong thời gian qua đã và đang đóng góp tích cực, hiệu quả trong thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền, bảo đảm công bằng giáo dục.
Tuy nhiên, rất nhiều khó khăn với giáo dục vùng khó vẫn đang hiện hữu. Nhiều nơi, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường PTDTNT thiếu thốn, xuống cấp, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh là người dân tộc thiểu số trên địa bàn…
Cơ sở hạ tầng ở trường PTDTBT vẫn còn tình trạng đầu tư chắp vá, thiếu đồng bộ; nhiều trường một số hạng mục như phòng bộ môn, nhà đa năng… chưa được đầu tư; có nơi được đầu tư thì lại thiếu biên chế giáo viên giảng dạy; phòng ở còn thiếu nên một số học sinh bán trú phải ở ngoại trú.
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều thôn, bản, xã thoát đặc biệt khó khăn. Không còn trợ cấp kéo theo việc “mất” học sinh diễn ra ở nhiều trường vùng khó, thầy cô phải vô cùng vất vả để tìm cách vận động các em trở lại trường…
Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Lần đầu tiên, Quốc hội phê duyệt một chương trình mục tiêu quốc gia kéo dài 10 năm. Chương trình gồm 10 dự án thành phần; trong đó mô hình trường chuyên biệt dành cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được quan tâm trong tiểu dự án 1 của dự án 5.
Một trong những mục tiêu của tiểu dự án là củng cố, phát triển hợp lý hệ thống các trường PTDTNT, trường PTDTBT để bảo đảm tốt việc tổ chức dạy học, nuôi dưỡng học sinh dân tộc thiểu số và nâng cao chất lượng đội ngũ tại 2 mô hình trường này… Đây là cú hích quan trọng giúp phát triển cả về số lượng, chất lượng các trường PTDTNT, PTDTBT.
Cần nhấn mạnh rằng, các chương trình mục tiêu quốc gia đều mang tính chất liên ngành, liên bộ; công tác giáo dục dân tộc là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, không chỉ ngành Giáo dục. Do đó, để phát triển giáo dục dân tộc, trong đó có hệ thống trường nội trú và bán trú, cần sự quan tâm, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành liên quan để thực hiện hiệu quả, từ đầu tư cơ sở vật chất đến đội ngũ… Từ đó giúp phát triển giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số một cách bền vững; góp phần thực hiện công bằng trong giáo dục giữa các vùng, miền và dân tộc.