Nâng bước học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khó khăn đi thi

GD&TĐ - Chiều 29/6, trong chương trình làm việc và kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 tại 5 tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông (thuộc cụm 30). 

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng thăm hỏi, động viên các học sinh tỉnh Ninh Thuận đến dự thi đang ở tại KTX trường ĐH Đà Lạt
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng thăm hỏi, động viên các học sinh tỉnh Ninh Thuận đến dự thi đang ở tại KTX trường ĐH Đà Lạt

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng và bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ - Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông cùng chủ trì buổi làm việc.

Địa phương nhiều khó khăn nhưng vẫn tìm nguồn kinh phí hỗ trợ 6.526 học sinh 

Tỉnh Đắk Nông cần quan tâm đặc biệt đến những thí sinh nhà xa, vì nếu các em nhà ở xa điểm thi 60 - 70 km mà không bố trí cho ăn ở để học sinh đi đi - về về là không ổn. 

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng   

Tại buổi làm việc, ông Trương Anh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông - báo cáo: Công tác chuẩn bị, phối hợp với ĐH Tây Nguyên đã hoàn tất, trong đó, việc hỗ trợ cho thí sinh về ăn ở, đi lại trong kỳ thi đã thực hiện xong với chi phí cụ thể 750.000 đồng/em, xe đưa đón. Với học sinh thi tại cụm địa phương mức hỗ trợ là 500.000 đồng/em.

Tỉnh Đắk Nông năm nay có tổng cộng 6.526 thí sinh dự thi tốt nghiệp. Cụm thi quốc gia (do ĐH Tây Nguyên chủ trì) có 4.661 thí sinh. Riêng cụm thi địa phương tại Đắk Nông có 1.865 thí sinh, thi tại 6 hội đồng thi. 

Do số lượng thí sinh giảm nhiều so với năm ngoái nên công tác chuẩn bị cũng tương đối thuận lợi. Điểm thi và khoảng cách để thí sinh di chuyển khi đi thi không quá xa (tại thị xã Gia Nghĩa) vì Sở GD&ĐT đã có sự phối hợp rất chặt chẽ với trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM tại cụm thi địa phương. 

Công tác vận chuyển và bảo mật đề thi ở các điểm xa được Ban chỉ đạo thi nhận thức là nhiệm vụ quan trọng, được bố trí với đội ngũ nòng cốt bảo vệ là lực lượng công an. Chính vì thế, bên cạnh lực lượng an ninh tại chỗ của các huyện, các chiến sĩ do công an tỉnh điều động (PA83) thì quá trình vận chuyển đề thi đến các điểm thi cũng đã được tính toán rất chi tiết, phù hợp với tình hình đồi núi của địa phương, tránh những rủi ro khách quan nảy sinh. 

Hiện công tác tập huấn cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi đã được quán triệt, làm rất kỹ, đúng theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Sau khi nghe báo cáo và kiểm tra tình hình thực tế tại một số hội đồng thi, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đánh giá công tác chuẩn bị (cụm thi địa phương) của tỉnh Đắk Nông là rất tốt, rất đáng hoan nghênh khi tỉnh dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn tìm được nguồn kinh phí cần thiết để hỗ trợ cho 6.526 học sinh của tỉnh.  

Đây không chỉ thể hiện ý chí, nhận thức của các cấp đảng ủy, ban ngành tỉnh Đắk Nông mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh, ngành Giáo dục đến học sinh của mình.

Kỳ thi đổi mới đã nhận được sự đồng lòng chung sức của cả cộng đồng

Trước đó, chiều 28/6, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có buổi làm việc với Ban chỉ đạo thi Trường ĐH Đà Lạt và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về công tác chuẩn bị thi của cụm số 31. 

Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng - đã có những báo cáo chi tiết về công tác chuẩn bị của tỉnh đến Thứ trưởng. 

Theo ông Đa, mọi công tác chuẩn bị đã được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, phân công nhiệm vụ cho các sở, ban ngành chi tiết, trên tinh thần tất cả phục vụ cho kỳ thi, cho thí sinh. 

“Hiện nay, mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, chỉ chờ đến giờ G! Tuy nhiên, tôi luôn chỉ đạo anh em không được chủ quan trong bất cứ trường hợp, tình huống nào, vì kỳ thi không chỉ quan trọng trong tiến trình đổi mới, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng niềm tin với xã hội. Do đó, tỉnh ủy Lâm Đồng đã chỉ đạo rất chặt chẽ công tác chuẩn bị đến từng sở, ngành” - Ông Đa nhấn mạnh.

Cụm thi số 31 (ĐH Đà Lạt) năm nay có tổng cộng hơn 18.000 thí sinh về dự thi. Công tác hỗ trợ và giúp đỡ thí sinh khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số của hai tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng triển khai rất hiệu quả với sức lan tỏa của cả cộng đồng: 20.000 suất cơm miễn phí hỗ trợ thí sinh, đội xe ôm miễn phí của sinh viên, sự hỗ trợ của tỉnh Đoàn, Đoàn thanh niên, hỗ trợ của các doanh nghiệp vận tải trong việc đưa đón thí sinh, kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho học sinh (1 triệu đồng/em cho 500 học sinh). 

Ghi nhận những cố gắng trong công tác chuẩn bị công tác tổ chức thi của tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng tại hai buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng bày tỏ sự vui mừng khi kỳ thi đổi mới đã nhận được sự đồng lòng chung sức của cả cộng đồng. 

 “Hình ảnh cô bán bánh mì sẵn sàng phát bánh mì miễn phí cho thí sinh, cán bộ tình nguyện cõng thí sinh khuyết tật vào KTX, các anh xe ôm sẵn sàng chở những thí sinh đến trường thi không lấy tiền dù nặng gánh mưu sinh…đã cho thấy sức lan tỏa, tầm quan trọng của kỳ thi lần này. Kỳ thi chỉ có thể thành công khi có sự chung sức, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, sự giám sát của xã hội" - Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng chia sẻ.

Nâng bước học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khó khăn đi thi ảnh 1Nâng bước học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khó khăn đi thi ảnh 2Nâng bước học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khó khăn đi thi ảnh 3Nâng bước học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khó khăn đi thi ảnh 4

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ