Tạo công bằng trong giáo dục
Bà Hồ Thị Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị - địa phương có 9% là người DTTS - nhận định: Chủ trương, chính sách về phát triển GD-ĐT vùng DTTS, miền núi được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, chế độ, chính sách về cơ bản được thực hiện đúng, đủ, kịp thời đóng vai trò quan trọng trong việc huy động trẻ em, học sinh, sinh viên (HSSV) người DTTS đi học, không bỏ học giữa chừng, học hết cấp học và học lên cao hơn.
Chế độ, chính sách cho trẻ em, HSSV người DTTS cũng tạo được sự công bằng trong giáo dục, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào vùng DTTS, miền núi. Nhiều địa phương đã ban hành những chính sách riêng để hỗ trợ học phí và chi phí học tập cho HSSV DTTS của địa phương mình, như Cao Bằng, Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Đắk Nông... và cả Quảng Trị.
"Nhờ những chính sách hợp lý, kịp thời, chất lượng giáo dục vùng DTTS, miền núi ngày càng được cải thiện, tiệm cận dần với chất lượng chung của cả nước”, khẳng định điều này, bà Hồ Thị Minh nhắc đến việc công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp vùng DTTS, miền núi đã có những kết quả bước đầu. Tỷ lệ HS được học ở trường chính tăng, số trường có điểm trường giảm đáng kể. Việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường đầu tư đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được mở rộng phát triển ở các địa phương. Chế độ chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lí, người học và cơ sở giáo dục ở vùng DTTS, miền núi tiếp tục được hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao tỉ lệ HS DTTS đi học, duy trì tỉ lệ HS chuyên cần, giảm số HS bỏ học, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học vùng DTTS, miền núi...
Là chuyên gia về giáo dục dân tộc, TS Trần Thị Yên, Trưởng ban Nghiên cứu giáo dục dân tộc, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng khẳng định, phát triển giáo dục dân tộc được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm với nhiều nhóm chính sách ưu tiên: Chính sách về nội dung, chương trình giáo dục; Phát triển mạng lưới, quy mô các trường chuyên biệt vùng DTTS, miền núi; Đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi; Chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn; Ưu tiên đối với người học là người DTTS.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách cho giáo dục dân tộc
Theo TS Trần Thị Yên, các chính sách phát triển KT-XH vùng DTTS phải có sự kết nối chặt chẽ với chính sách phát triển giáo dục dân tộc. Chẳng hạn: Chương trình xây dựng nông thôn mới khi các xã đặc biệt khó khăn trở thành xã thuận lợi (xã vùng III trở thành xã vùng II, hoặc vùng I), chính sách với HS bán trú, nội trú, dự bị đại học, cử tuyển sẽ mất đi và nguy cơ bỏ học tăng lên; khi đó mục tiêu phát triển nguồn nhân lực người DTTS khó thực hiện được, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ tài chính cho HS DTTS cần có sự thống nhất, đồng bộ từ mầm non đến THPT và dự bị đại học. Chính sách phù hợp với thực tiễn, từng dân tộc (tộc người), từng vùng và phù hợp với Luật Giáo dục 2019. Lưu ý điều này, TS Trần Thị Yên cho rằng: Cần ban hành mới các chính sách như: Hỗ trợ ăn trưa với trẻ em nhà trẻ người DTTS, con hộ nghèo tại các cơ sở giáo dục mầm non vùng KT-XH đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ HS người DTTS học trung học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên; Ưu tiên dạy nghề theo các chương trình, dự án của địa phương cho những người mới hoàn thành chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; Hỗ trợ cho giáo viên tham gia dạy xóa mù chữ và hỗ trợ người không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước tham gia công tác xóa mù chữ (già làng, trưởng bản, HSSV).
TS Trần Thị Yên đồng thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ xây dựng và phê duyệt 2 đề án: Đề án củng cố, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có HS bán trú ở vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2021 - 2025; Đề án triển khai các mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chính phủ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện chính sách với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh thấy rằng, cần thiết làm cho đồng bào các DTTS giác ngộ quyền lợi và nghĩa vụ học tập của con em mình, từ đó tự nguyện cho con em đi học. Bên cạnh đó, đội ngũ hiệu trưởng, giáo viên có vai trò quan trọng đối với sự phát triển giáo dục ở các địa phương vùng dân tộc nên phải hết sức chú trọng đến đội ngũ này, trong đó có vấn đề cơ chế chính sách. Sự chủ động, sáng tạo của ngành Giáo dục các địa phương, đặc biệt là của cơ sở giáo dục trong công tác tham mưu quy hoạch, đầu tư xây dựng và tăng cường các điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học đóng vai trò quyết định.