Nam sinh viên bỏ học nuôi con

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Mỹ có khoảng 3,8 triệu sinh viên vừa đi học vừa nuôi con, trong đó 1,1 triệu là nam giới. Đa phần các ông bố sinh viên không thể tốt nghiệp, vì không cáng đáng nổi cả chăm con lẫn học hành.

Các nam sinh viên kiêm phụ huynh cần sự quan tâm, hỗ trợ để tốt nghiệp.
Các nam sinh viên kiêm phụ huynh cần sự quan tâm, hỗ trợ để tốt nghiệp.

Trong khi các nữ sinh viên làm mẹ nhận được nhiều cảm thông và hỗ trợ, thì khó khăn của họ dường như bị phớt lờ.

61% không tốt nghiệp

Sinh viên có con không phải chuyện lạ. Theo báo cáo từ Nghiên cứu Hỗ trợ Sinh viên quốc gia (National Postsecondary Student Aid Study) của Mỹ, hơn 1/5 sinh viên là phụ huynh. Hiện, hệ thống giáo dục sau trung học Mỹ có khoảng 3,8 triệu sinh viên có con. Trong đó, nữ sinh viên làm mẹ gồm 2,7 triệu, chiếm 70%; nam sinh viên làm cha gồm 1,1 triệu, chiếm 30%.

Sinh viên là phụ huynh có thể đã kết hôn hoặc đăng ký làm cha, mẹ đơn thân. Trong số họ, tỷ lệ mẹ đơn thân chiếm ưu thế với 62%. Tỷ lệ bố đơn thân tương đối thấp, chỉ 39%.

So với tỷ lệ nữ sinh viên làm mẹ, tỷ lệ nam sinh viên làm cha ít hơn nhiều. Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ học giữa chừng của họ thì cao hơn gần gấp rưỡi. Theo số liệu thống kê mới nhất từ Viện Nghiên cứu Chính sách của Phụ nữ (Institute for Women’s Policy Research), 61% ông bố sinh viên không tốt nghiệp, còn nữ sinh viên làm mẹ là 48%.

“Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến nguy cơ phải bỏ học ở nam sinh làm bố là áp lực gia đình và xã hội. Trở thành trụ cột ở tuổi này buộc họ phải đẩy ưu tiên học hành xuống hàng thứ 2, 3…”, Adrian Huerta (Đại học Nam California) phân tích.

Ngoài sự quan tâm

Jesus Benitez nhiều lần muốn bỏ học để có thời gian chăm sóc và kiếm tiền nuôi con.

Jesus Benitez nhiều lần muốn bỏ học để có thời gian chăm sóc và kiếm tiền nuôi con.

Joshua Castillo, sinh viên Khoa Máy tính Trường Cao đẳng Cộng đồng Bắc Virginia, kết hôn sau khi tốt nghiệp phổ thông và có con sớm. Anh đã quen với việc vừa chăm sóc con, vừa đi học, nhưng vẫn rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì vợ chuyển dạ đứa con thứ 3 đúng lúc phải đi thi hết học phần.

“Hầu hết, các giảng viên đều quan niệm, học hành là nghĩa vụ toàn thời gian của sinh viên”, Castillo nói. Dù hết sức lo lắng cho vợ con, anh không thể làm gì khác ngoài thi xong rồi mới chạy đến bệnh viện.

Jesus Benitez (New York) thì có con từ năm mới 17 tuổi. Anh phải bỏ học trung học và vừa bước sang tuổi 18 đã thành ông bố đơn thân. Vì quá bận rộn kiếm sống, Benitez không có nhiều thời gian chăm sóc con. Anh quyết định nghỉ làm, đi học lại và thi đậu trường cao đẳng.

Kỳ vọng của Benitez là bằng cấp sau phổ thông sẽ mang tới công việc tốt hơn. Nếu có thu nhập ổn định và chỉ phải làm việc theo giờ hành chính, anh sẽ thoải mái thời gian cũng như tiền bạc nuôi dưỡng con cái. Nào ngờ, suốt 4 năm học cao đẳng, Benitez không ngừng gặp khó khăn, túng thiếu. Rất nhiều lần, anh nghĩ hay là bỏ ngang.

“Tôi lớn lên trong gia cảnh khó khăn, phải vất vả kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, chăm nom các em từ nhỏ. Vì thế mà trong lúc theo học cao đẳng, tôi luôn thấy mình lãng phí cả thời gian lẫn tiền bạc, chỉ muốn bỏ ngang để đi làm”, Benitez kể lại.

Cũng theo báo cáo mới nhất, một nửa số nam sinh viên làm bố là người da màu và Mỹ gốc Latinh. Đa số họ thuộc diện sinh viên nghèo, vừa nuôi con vừa đi học trở thành áp lực kinh tế nặng nề. Kết quả, 70% phải bỏ học giữa chừng, cao hơn tỷ lệ chung đến 11%.

Cần nhiều trợ giúp

Trên 60% nam sinh viên có con bỏ học giữa chừng.

Trên 60% nam sinh viên có con bỏ học giữa chừng.

Nam giới không có bằng cấp ít cơ hội tiếp cận được công việc tốt. Thường thì, họ chỉ có thể lựa chọn những công việc đòi hỏi thể lực, ví dụ như công nhân xây dựng, bốc vác, hàn xì…

Benitez may mắn không nằm trong số 70% nam sinh viên làm bố phải bỏ học nhờ Học viện Làm cha CUNY (CUNY Fatherhood Academy) - chương trình hỗ trợ dành riêng cho các ông bố sinh viên da màu và Mỹ gốc Latinh của Đại học Thành phố New York. CUNY cung cấp cho các ông bố trẻ cơ hội thi lấy bằng tốt nghiệp phổ thông, các lớp học thêm, dạy kèm, tư vấn và hội thảo về nuôi dạy con cái cũng như công việc, tiền lương…

“Nếu hỏi chuyện các ông bố trẻ trong học viện, bạn sẽ thấy một mẫu chung. Đó là hầu hết đều nghèo khó, mồ côi cha hoặc bị cha bỏ bê. Tuổi thơ của họ đầy tổn thương, vất vả và không người nào lại muốn con cái mình cũng phải lớn lên trong hoàn cảnh như thế”, giảng viên Raheem Brooks cho biết.

“Mỗi lần tôi bỏ học đi làm, các thầy cô CUNY lại chạy đi tìm và lôi tôi trở về. Nếu không có họ, chắc tôi không chống đỡ nổi đến lúc tốt nghiệp”, Benitez bộc bạch.

Chỉ là, các chương trình như CUNY vô cùng hiếm. “Điều cần làm nhất bây giờ là nhắc nhở cho các trường học và xã hội thấy sự tồn tại của nam sinh viên làm cha”, Benitez nhấn mạnh.

Bất chấp tỷ lệ nam sinh viên làm cha phải bỏ học cao đáng báo động, hầu hết các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ chưa quan tâm. Theo các chuyên gia, nếu không thể tạo ra các chương trình hỗ trợ mạnh như CUNY, họ nên nới lỏng quy định như cho phép đưa con đến trường, chăm sóc trẻ em trong khuôn viên… và trao nhiều gói trợ cấp, học bổng hơn cho sinh viên kiêm phụ huynh.

Theo Theguardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ