Nhiều trường học đã chuyển sang các lớp học từ xa, nhiều tài nguyên trường học không có sẵn và thị trường việc làm là một trong những điều tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Những cú “quay xe” bất ngờ
Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Mỹ (16 - 24 tuổi) hiện là 11,5%, gần gấp đôi tỷ lệ chung (6,7%). Điều này đã khiến sinh viên Gen Z cân nhắc liệu chuyên ngành đang học có mang lại cho họ cơ hội tìm được việc làm trong thế giới hậu đại dịch hay không? Hay liệu họ có nên thay đổi quan điểm về “công việc mơ ước” sau khi tốt nghiệp hay không?
Jackson England, 20 tuổi, là một sinh viên dự bị y khoa năm nhất tại Đại học Columbia. England, với kế hoạch cho một sự nghiệp lâu dài và thành công trong lĩnh vực y tế trong vai trò một bác sĩ giải phẫu thần kinh. Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra, England nhận ra rằng anh muốn chuyển chuyên ngành tâm lý học, tập trung vào nghiên cứu giáo dục.
“Tôi nhớ một quảng cáo mà một người bạn của tôi đề cập về việc những người nổi tiếng là triệu phú yêu cầu những người có thu nhập thấp hơn hỗ trợ tài chính cho nhân viên xã hội một cách không công bằng. Và đó là lý do khiến tôi nhận ra mình muốn tham gia vào công bằng xã hội. Đối với tôi, điều đó bắt đầu với giáo dục”, England nói.
Có thể nói, kế hoạch sau khi tốt nghiệp của England đã hoàn toàn thay đổi so với dự định trước đó. Anh chia sẻ thêm: “Tôi bây giờ rất quan tâm đến luật và tôi nghĩ mình sẽ đi học luật. Tôi muốn theo đuổi sự nghiệp trong chính sách giáo dục hoặc vận động chính sách”.
Một hậu quả khác của đại dịch là rất nhiều công ty đã chọn cách cho nhân viên của họ làm việc tại nhà. Theo nghiên cứu của Đại học Stanford, ước tính có khoảng 42% lực lượng lao động Mỹ đang làm việc từ xa. Điều này đã thay đổi kế hoạch địa lý của sinh viên. Nhiều bạn nhận thấy không cần phải di chuyển đến các khu đô thị lớn để tìm việc làm.
Lilly Umana, 21 tuổi, là sinh viên năm cuối tại Đại học Syracuse nghiên cứu khoa học chính trị, quyền công dân và sự tham gia của công dân. Trong năm thứ nhất đại học, cô tưởng tượng mình đang làm việc ở Washington D.C với tư cách là một chính trị gia cấp cao. Tuy nhiên, Umana luôn quan tâm đến truyền thông, cô đã có cơ hội tham gia vào đài truyền hình của trường. “Học tập ở Syracuse khiến tôi nhận ra phải trở thành một nhà báo. Tôi muốn làm việc trong lĩnh vực truyền thông”, Umana nói. Nhưng, kế hoạch của cô sau khi tốt nghiệp cũng thay đổi.
“Trước Covid, kế hoạch của tôi là chuyển đến thành phố New York và làm việc cho một công ty truyền thông lớn. Nhưng bây giờ tôi đã hạn chế kỳ vọng của mình về nơi tôi có thể bắt đầu… Tôi biết, các công ty này hiện có thể thu hút một số lượng lớn ứng viên hơn, vì hầu hết các vị trí đã được chuyển sang làm việc từ xa”, cô nói.
Laura Vasco, sinh viên năm cuối tại Đại học Bang Montclair đang theo học ngành kinh doanh và tài chính, đã quyết định tự tạo việc làm cho mình. Khi Vasco mới bắt đầu học đại học, cô muốn làm việc cho một công ty cổ phần tư nhân và có lẽ sẽ đến được Phố Wall. Nhưng đại dịch đã thay đổi suy nghĩ của cô. “Cuộc khủng hoảng toàn cầu này đã khiến tôi nhận ra, cách duy nhất để tôi có một công việc ổn định là tạo dựng công việc kinh doanh của riêng mình và gác lại những ý tưởng về việc tìm kiếm một công việc hoàn hảo trong lĩnh vực tài chính”, Vasco nói.
Vài tháng trước, Vasco bắt đầu kinh doanh với việc cung cấp thảm yoga. “Tôi đã rất khó khăn để bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình giữa cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhưng nếu không bắt đầu ngay bây giờ, sự nghiệp tương lai của tôi sẽ phụ thuộc vào việc nền kinh tế phục hồi đủ nhanh hay không”, Vasco nói.
Tham khảo ý kiến chuyên gia
Johayra Diaz, cố vấn học tập tại Đại học Bang Montclair, nói rằng, sinh viên đang băn khoăn “liệu có nên hoãn một học kỳ khác và thay đổi chuyên ngành để có thể tìm được cơ hội tốt hơn sau khi tốt nghiệp hay không”. Hoặc “liệu họ có thể tìm được việc làm trong lĩnh vực của mình không”. Diaz và nhóm của cô đang kết nối với các nhà tuyển dụng để cung cấp nhiều cơ hội thực tập nhất có thể cho những sinh viên không tự tin với chuyên ngành của mình. Cô muốn cung cấp một số thông tin chi tiết về công việc của họ sẽ bao gồm những gì trong tương lai.
“Thực tế, không phải tất cả sinh viên đều có thể chuyển đổi chuyên ngành hoặc tham gia thực tập vì tình hình tài chính của họ”, Diaz nói. Cô khuyến khích những sinh viên muốn thay đổi con đường sự nghiệp của mình, xem xét chương trình giảng dạy của những chuyên ngành mà họ yêu thích và quyết định xem chương trình đó có những gì họ đang tìm kiếm hay không. Cô cũng khuyến nghị sinh viên nên gặp cố vấn học tập trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Nếu cần thiết, hãy liên hệ với văn phòng hỗ trợ tài chính để xem sự thay đổi trong chuyên ngành của họ có thể ảnh hưởng như thế nào đến hỗ trợ tài chính.
Nếu bạn đang nghĩ đến việc thay đổi con đường sự nghiệp, hãy tìm kiếm mọi thứ có thể liên quan: Nó đòi hỏi những gì, mức lương là bao nhiêu (có đủ để bạn tự sống không?), có bao nhiêu công việc, cách tốt nhất để kiếm một công việc trong lĩnh vực này... Hãy làm như thể ai đó đã giao bạn viết luận văn về nghề nghiệp trong tương lai. Điều quan trọng nhất cần nhớ “sự nghiệp của bạn là của chính bạn”.
Và nó sẽ là xương sống của cuộc đời bạn. Vì vậy, hãy dành thời gian suy nghĩ, nghiên cứu và lập kế hoạch để bảo đảm bạn sẽ tìm được việc làm, kiếm đủ tiền để sống và có một sự nghiệp thành công. Nó có thể không phải là con đường bạn mong đợi nhưng bạn có thể ngạc nhiên. Đôi khi những ý tưởng và cơ hội tốt nhất xuất hiện trong thời điểm có nhiều thay đổi và không chắc chắn.