Nam sinh đam mê Vật lý và ước mong lan tỏa kiến thức trong cộng đồng

GD&TĐ - Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á-Thái Bình Dương 2021, Nguyễn Hoàng Nam, Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam đạt Huy chương Đồng. Nam bày tỏ sẽ tiếp tục gắn bó với Vật lý và cống hiến kiến thức cho ngành giáo dục

Nguyễn Hoàng Nam (ngoài cùng bên trái) cùng thầy và bạn .
Nguyễn Hoàng Nam (ngoài cùng bên trái) cùng thầy và bạn .

Yêu Vật lý từ những câu hỏi của chính mình

Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ: Em đến với môn Vật lí hoàn toàn tự nhiên không có định hướng. Từ nhỏ em hay đặt ra cho mình những câu hỏi và đi tìm câu trả lời. Cho đến khi vào THCS, học bộ môn Vật lý em hiểu ra các câu hỏi bấy lâu mình đặt ra và tìm kiếm câu trả lời đều thuộc kiến thức môn Vật lý. Chỉ học Vật lý thì mới giải đáp được.

Từ đó, Nam đam mê và quyết định gắn bó với môn Vật lý. Dấu mốc đầu tiên em đạt được ở môn học này là trở thành thủ khoa kì thi Học sinh giỏi Thành phố môn Vật lý năm lớp 9 (Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức).

Vào lớp 10 Nguyễn Hoàng Nam đăng ký thi HS giỏi Quốc gia môn Vật lý khi được các thầy gợi mở “Vẫn còn “chỗ” trong đội tuyển và có thể tham dự”. Với Nam lúc đó đi thi đơn giản chỉ để thử sức mình tới đâu. Và niềm vui khá bất ngờ, em đạt giải Ba. Cùng năm lớp 10 em cũng đạt Huy chương đồng kì thi Olympic Thiên văn học và Vật lý Thiên văn IOAA.

Các năm tiếp theo, thành tích của Nguyễn Hoàng Nam tiếp tục được khẳng định với giải Nhất kì thi Học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý lớp 11; Huy chương vàng môn Vật lý- Kì thi Olympic giữa các thành phố lớn IOM năm 2020. Năm lớp 12 đạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á APhO 2021.

Nguyễn Hoàng Nam cùng gia đình
Nguyễn Hoàng Nam cùng gia đình 

Chia sẻ về Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á của Nam, thầy chủ nhiệm và bạn bè đều tiếc bởi thực tế khả năng của em hoàn toàn có thể đạt được thành tích hơn thế. Còn riêng Nam lại cho rằng thi cử cần cả sự may mắn vì vậy em vẫn thấy vui và hài lòng với kết quả này.

Trao đổi về bí quyết để học giỏi và đạt thành tích môn Vật lý trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế, Nam cho biết quan trọng phải tìm ra cách học hiệu quả. Em thường xâu chuỗi hiện tượng và thực tế với nhau, đưa nó về một bản chất để tìm ra cách giải, câu trả lời. Hiện tượng nào không hiểu sẽ tìm hiểu trong thực tế và toán học chứ không làm bài tập quá nhiều…

Mặt khác, việc tự học để tăng cường kiến thức cũng vô cùng cần thiết. Nam hay đọc tài liệu, sách nước ngoài. Trong thời gian ôn thi đội tuyển, ngoài học trên lớp vào buổi tối, em dành 2-3h để đọc sách và làm bài tập từ các nguồn tài liệu khác nhau.

Đặc biệt, Nam còn tham gia vào câu lạc bộ online chuyên về Vật lý với hơn 13.000 thành viên, tất cả cùng nhau trao đổi trực tiếp các vấn đề, hoặc có tài liệu hay, mới đều gửi lên cùng bàn luận, nghiên cứu...

Nguyễn Hoàng Nam cũng cho biết mẹ em là giáo viên Ngữ văn, tuy không theo và nối nghiệp bộ môn này nhưng em được mẹ hướng dẫn nhiều về kĩ năng hoạch định kế hoạch trong cuộc sống và học tập.

Gia đình hoàn toàn không gò ép theo ngành nghề bố mẹ mà hoàn toàn ủng hộ, khuyến khích em đi theo sở thích, con đường của riêng mình lựa chọn. Chính vì vậy, sự lựa chọn ngành nghề, môn học, cách học… đều do Nam tự suy nghĩ và quyết định.

Mong muốn cống hiến cho giáo dục

Nguyễn Hoàng Nam cho biết, hiện tại đang làm hồ sơ và tìm kiếm cơ hội du học nước ngoài ở những môi trường phù hợp nhất để được học tập, nghiên cứu môn Vật lý ở mức độ chuyên sâu.

Quyết định này Nam theo Nam cũng nhận được lời khuyên của các thầy bộ môn bởi “Du học sẽ có cơ hội tiếp xúc với cơ sở vật chất và đáp ứng việc học tập nghiên cứu bộ môn Vật lý. Kể cả sau này quay trở lại Việt Nam làm việc cũng cần đến những kiến thức, trải nghiệm, kinh nghiệm thực tế ở tầm cao…”.

Bản thân Nguyễn Hoàng Nam cũng bày tỏ dự định sau khi du học sẽ quay lại Việt Nam làm việc, cống hiến trong ngành giáo dục với nền tảng kiến thức chuyên ngành Vật lý vững vàng nhất.

Nguyễn Hoàng Nam với mong muốn được cống hiến kiến thức cho ngành giáo dục
Nguyễn Hoàng Nam với mong muốn được cống hiến kiến thức cho ngành giáo dục

Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ lý do trở lại Việt Nam làm việc trong ngành giáo dục đầy giản dị: Em sinh ra trong gia đình mẹ làm nghề giáo, từ nhỏ em đã được truyền cảm hứng từ những bài giảng của mẹ cho HS. Nhiều thế hệ HS của mẹ thành công khi ra trường cũng được mẹ kể lại như tiếp thêm cho em động lực gắn bó với ngành giáo dục để được lan tỏa, truyền cảm hứng tri thức.

Cũng chính từ sự lan tỏa nghề giáo của mẹ, Nguyễn Hoàng Nam đã tự lập ra những nhóm cộng đồng môn Vật lý riêng để hỗ trợ cho HS lớp 9, 10 thi chuyên hoặc chuẩn bị các kì thi khác…

Em cũng chia sẻ, trong số những người thầy mình được học và nể trọng, em học được nhiều điều ở thầy giáo Lê Mạnh Cường – người dẫn dắt đội tuyển Vật lý của trường trong 3 năm em tham gia.

“Ngoài chuyên môn sâu thầy luôn hết lòng với HS, chăm lo chu đáo cho HS từ việc nhỏ nhất. Trong hoàn cảnh khó khăn, gấp gáp đến đâu HS đều có thể gọi điện và được thầy giúp đỡ, trao đổi, chia sẻ…”- Nguyễn Hoàng Nam cho biết.

Nhận xét về học trò Nguyễn Hoàng Nam, thầy Lê Mạnh Cường cũng bày tỏ niềm vui, tự hào: “Nam là cậu học trò vui tính, hài hước gần gũi với bạn bè, thầy cô. Em cũng thông minh, hiếu học, có khả năng tự học tự đọc tốt.

Em luôn nỗ lực hết mình trong quá trình tham gia đội tuyển Vật lý của trường. Chính vì vậy, Nam đã đạt được những thành tích đặc biệt, đáng tự hào ở môn Vật lý. Em là một trong số không nhiều HS trong 3 năm học THPT đều có giải quốc gia…”.   

Đối với Nguyễn Hoàng Nam không có “khái niệm” học chỉ để giành huy chương, thành tích mà quan trọng phải phát huy kiến thức, cống hiến và lan tỏa kiến thức trong cộng đồng thì khi đó kiến thức mới thực sự giá trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ