Trình Quốc hội xem xét thông qua 2 dự án Luật tại kỳ họp thứ 6
Trong đó đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, khắc phục những bất cập, hạn chế, giải quyết các “nút thắt” trong thực hiện đổi mới GD&ĐT, gửi các đại biểu Quốc hội để xin ý kiến tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.
Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về 2 Dự án Luật. Hiện nay, Ban soạn thảo tiếp tục phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội; đồng thời tổ chức các hội nghị, hội thảo và tọa đàm chuyên đề nhằm làm sâu sắc thêm các nội dung trong 2 dự án Luật; báo cáo Chính phủ đối với 2 dự án Luật; đang tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ 2 dự án Luật, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Trong năm học 2017-2018 (từ tháng 9/2017 đến tháng 6/2018), Bộ GD&ĐT cũng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành được 8 văn bản, gồm: 2 nghị định và 1 nghị quyết của Chính phủ, 4 quyết định và 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 29 thông tư, tạo hành lang pháp lý để các địa phương, các cơ sở GD&ĐT triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng hoạt động GD&ĐT.
Chỉ số cải cách hành chính tăng thêm 4 bậc
Năm học 2017-2018, Bộ GD&ĐT tập trung triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020; ban hành các văn bản làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai công tác cải cách hành chính năm 2017 và 2018 của Bộ.
Trong đó, trọng tâm là việc xây dựng pháp luật, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết, tăng cường hiệu quả cải cách hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công. Bộ GD&ĐT đã đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office) tới 100% cán bộ sử dụng và kết nối tới các sở GD&ĐT, các trường đại học phục vụ quản lý điều hành điện tử.
Hoàn thành việc rà soát, cập nhật, công khai 200 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ GD&ĐT trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2017 của Bộ đạt 80,01/100 điểm, xếp thứ 11/19 bộ, cơ quan ngang bộ, tăng thêm 4 bậc so với năm 2016.
Thực hiện rà soát cắt giảm và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực GD&ĐT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục.
Ban hành phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, theo đó cắt giảm và đơn giản hóa 120/212 điều kiện (chiếm 56,6%); trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Nhiều văn bản chỉ đạo đổi mới công tác thanh tra
Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác thanh tra trong toàn ngành; tổ chức Hội nghị công tác thanh tra đối với lãnh đạo và cán bộ thanh tra các sở GD&ĐT, tổ chức tập huấn thanh tra thi và một số tập huấn chuyên đề; bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho hơn 3000 cộng tác viên thanh tra các sở và gần 300 cộng tác viên các trường đại học.
Thanh tra Bộ đã phối hợp với thanh tra tỉnh, thanh tra các Bộ, ngành trong công tác thanh tra theo phân cấp của Nghị định số 42/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Bộ GD&ĐT đã tiến hành 9 cuộc thanh tra hành chính và 16 cuộc thanh tra chuyên ngành. Các sở GD&ĐT đã tiến hành 868 cuộc thanh tra. Qua thanh tra đã kịp thời kiến nghị hoàn thiện cơ chế, kiến nghị xử lý nhiều hành vi vi phạm.
Một số cuộc thanh tra, kiểm tra có nhiều tác động lớn như: thanh tra, kiểm tra thu chi đầu năm; thanh tra việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; thanh tra điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; thanh tra quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ, ngành, địa phương; kiểm tra việc xét giáo sư, phó giáo sư 2017...
Tuy nhiên, cũng trong năm học vừa qua một số văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình, đề án… còn chậm được ban hành, chưa đồng bộ, việc phát hiện, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung chưa kịp thời. Hiện đại hóa hành chính còn chậm, hạ tầng công nghệ thông tin chưa được nâng cấp, thay thế kịp thời. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa đủ sức răn đe do chế tài còn thiếu và việc phối hợp giữa các cấp chưa được kịp thời… Việc phối hợp giữa sở GD&ĐT với Thanh tra cấp huyện trong hoạt động thanh tra và việc tham mưu của phòng GD&ĐT với Thanh tra cấp huyện trong việc thanh tra hành chính các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo phân cấp còn hạn chế...