Thông tin về các chương trình đào tạo chất lượng cao được thể hiện trong biểu đồ dưới đây:
Nguồn: Báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học, 2018 |
Tuy nhiên, một số chương trình đào tạo chất lượng cao như chương trình tiên tiến, chương trình POHE, chương trình kỹ sư chất lượng cao gặp khó khăn sau khi dự án kết thúc và không còn nguồn hỗ trợ kinh phí từ nhà nước.
Năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo, trong đó có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo; hỗ trợ việc phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong việc đào tạo;
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học báo cáo tỷ lệ việc làm của sinh viên hằng năm, làm cơ sở định hướng cho một số hoạt động quản lý giáo dục như: phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành đào tạo, điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, kiểm định chất lượng giáo dục; chỉ đạo triển khai chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia.
Cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo được từng bước điều chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2018-2025 tầm nhìn 2030”, trong đó tập trung giải quyết một số vấn đề như:
Xây dựng và triển khai hệ thống dự báo cung - cầu nguồn nhân lực trình độ đại học; đẩy mạnh thực hiện tự chủ, đổi mới quản trị GDĐH; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng GDĐH; đổi mới cơ chế tài chính; đổi mới quản lý đào tạo, chương trình, phương pháp đào tạo; đẩy mạnh công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh quốc tế hóa GDĐH; xây dựng cơ chế chính sách tạo nguồn lực, động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh trong phát triển GDĐH.
Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách về đào tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.