Nam Định đẩy mạnh giáo dục STEM trong trường tiểu học

GD&TĐ - Nhận thức rõ vai trò của giáo dục STEM trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều trường tiểu học ở Nam Định đã áp dụng linh hoạt mô hình này.

Các giáo viên tham gia thực hành và thảo luận sôi nổi khi tập huấn về giáo dục STEM trong trường tiểu học.
Các giáo viên tham gia thực hành và thảo luận sôi nổi khi tập huấn về giáo dục STEM trong trường tiểu học.

Vai trò của giáo dục STEM

Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 là đem lại những giá trị cho học sinh như phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh cùng những yêu cầu về dạy học tích hợp, đổi mới phương pháp giảng dạy; trong đó vai trò của giáo dục STEM đóng vai trò rất quan trọng.

Trên cơ sở đó, Trường Tiểu học Hải Anh (Hải Hậu, Nam Định) vừa tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên với nội dung “Tập huấn nâng cao năng lực tổ chức hoạt động giáo dục STEM và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong trường Tiểu học”.

Việc này nhằm nâng cao nhận thức, năng lực tổ chức giáo dục STEM trong nhà trường; trang bị các kiến thức, kĩ năng nền tảng về giáo dục STEM; bồi dưỡng năng lực xây dựng bài học STEM, chủ đề STEM trong dạy học các môn học/hoạt động giáo dục; nâng cao kĩ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Việc áp dụng giáo dục STEM trong trường tiểu học cũng như đẩy mạnh công nghệ trong giảng dạy đóng vai trò quan trọng khi triển khai Chương trình GDPT 2018.

Việc áp dụng giáo dục STEM trong trường tiểu học cũng như đẩy mạnh công nghệ trong giảng dạy đóng vai trò quan trọng khi triển khai Chương trình GDPT 2018.

Giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, tạo ra sự kết hợp hài hòa giữa các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Điều này giúp học sinh không chỉ hiểu biết về kiến thức mà còn có thể thực hành áp dụng vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong một bối cảnh cụ thể một cách sáng tạo; xây dựng môi trường học tập hứng thú, khơi gợi niềm say mê học tập, các em có cơ hội khám phá khoa học, kỹ thuật, ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống và tạo ra những sản phẩm hữu ích.

Trong quá trình đổi mới giáo dục rất cần khả năng lãnh đạo và hướng dẫn của người đứng đầu nhà trường. Cô Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Anh đã nghiên cứu, học hỏi và chuyển tải các nội dung trọng tâm của giáo dục STEM: Tổng quan chung về giáo dục STEM cấp Tiểu học, Giáo dục STEM tiếp cận công nghệ theo định hướng chuyển đổi số cấp Tiểu học, hướng dẫn giáo viên các bước xây dựng bài học STEM, chủ đề STEM và xây dựng kế hoạch giáo dục STEM trong môn học và hoạt động giáo dục.

Trong buổi tập huấn, cô Phạm Thị Huệ nhấn mạnh, mỗi giáo viên cần phải chú trọng thường xuyên tự trau dồi kiến thức, học hỏi, rèn luyện, phát huy sự sáng tạo. Thầy cô phải tự bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo dục STEM để đem đến cho học sinh những trải nghiệm thú vị; giúp các em cảm nhận được mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc. Song song với đó, giáo viên cần tiếp tục nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy.

Giáo viên cần mạnh dạn áp dụng công nghệ

Cô Nguyễn Thị Lan chia sẻ các nội dung thiết kế bài giảng Elearning.
Cô Nguyễn Thị Lan chia sẻ các nội dung thiết kế bài giảng Elearning.

Cũng tại buổi tập huấn, cô Nguyễn Thị Lan – giáo viên lớp 5 đã được đi tập huấn tại Sở GD&ĐT chia sẻ về các nội dung xây dựng thiết kế bài giảng điện tử Elearning. Trong đó bao gồm cấu trúc, các bước thiết kế bài giảng điện tử Elearning, những lỗi mà giáo viên thường mắc phải, giới thiệu một số phần mềm và nguồn học liệu phục vụ cho công việc thiết kế.

Buổi tập huấn diễn ra trong không khí sôi nổi, với tinh thần tích cực, khẩn trương, sự tương tác nhiệt tình, giáo viên của trường đã lĩnh hội được những kiến thức, kĩ năng cơ bản nhất, cốt lõi nhất của mô hình giáo dục STEM, giúp giáo viên phát triển thêm được nhiều kĩ năng quan trọng về công nghệ thông tin. Cuối buổi, giáo viên có thời gian thảo luận, đưa ra những thắc mắc, khó khăn trong quá trình làm để cùng tháo gỡ tìm ra cách giải quyết tối ưu nhất.

"Với sự chỉ đạo sát sao, bài bản và sự động viên khích lệ kịp thời của ban giám hiệu, trong thời gian tới, Trường Tiểu học Hải Anh sẽ đẩy mạnh giáo dục STEM và hình thành những câu lạc bộ STEM để giáo viên, phụ huynh đồng hành cùng học sinh khám phá, trải nghiệm khoa học kĩ thuật trên tinh thần, quan điểm giáo dục STEM", cô Lan chia sẻ thêm.

Nhà trường dự kiến cuối tháng 4/2023 sẽ tổ chức Ngày hội STEM cấp trường để giáo viên, học sinh tham gia học tập về các sản phẩm STEM được trưng bày, trao đổi phương pháp thực hành tốt trong tổ chức dạy học STEM theo Chương trình GDPT 2018; chia sẻ kinh nghiệm, kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để triển khai hiệu quả các hoạt động giáo dục STEM trong nhà trường thời gian tới. Qua đó, góp phần phát huy tính chủ động, tích cực, tăng cường các kỹ năng hợp tác, giao tiếp, tư duy sáng tạo cho học sinh tiểu học và nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.