Kinh nghiệm học, làm bài nhận dạng biểu đồ
Cô Thùy Dương cho biết, có hai cách để hỏi về nhận dạng loại biểu đồ, đó là: Cho sẵn 1 bảng số liệu, yêu cầu cho biết vẽ loại biểu đồ nào là thích hợp nhất; cho sẵn 1 biểu đồ, yêu cầu tìm tên biểu đồ.
Với dạng cho sẵn 1 bảng số liệu, yêu cầu cho biết vẽ loại biểu đồ nào là thích hợp nhất, cần hiểu các cụm từ khóa, lời dẫn của câu hỏi để có thể nhận biết ngay dạng biểu đồ. Với dạng này, cô Dương lưu ý cụ thể từng loại biểu đồ như sau:
Thứ nhất là biểu đồ cột. Đặc điểm nhận dạng: Đơn vị của bảng số liệu là đơn vị thô - là đơn vị tuyệt đối, chưa qua xử lý %, thể hiện sự so sánh, hoặc thể hiện giá trị, sản lượng, diện tích, năng suất...
Thứ 2 là biểu đồ tròn với đặc điểm nhận dạng: Đối với bảng số liệu %, thể hiện cơ cấu (sự thay đổi cơ cấu) giá trị, sản lượng, diện tích, năng suất... với 3 hoặc dưới 3 mốc thời gian. Đối với bảng số liệu thô, thể hiện quy mô và cơ cấu giá trị, sản lượng, diện tích, năng suất... với 3 hoặc dưới 3 mốc thời gian. Có thể không cần quan sát bảng số liệu là đơn vị gì, chỉ cần thấy có từ “cơ cấu” và “với 3 hoặc dưới 3 năm”.
Thứ 3 là biểu đồ miền. Biểu đồ miền được coi là biến dạng từ dạng biểu đồ tròn, thể hiện sự chuyển dịch/sự thay đổi cơ cấu… Khác nhau là ở: chỗ biểu đồ tròn thể hiện cơ cấu tối đa là 3 thời điểm, còn miền thì thể hiện lớn hơn 3 thời điểm. Từ để nhận dạng trong câu hỏi thường là: thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu (hoặc sự thay đổi cơ cấu)… với lớn hơn 3 mốc thời gian.
Thứ 4 là biểu đồ đường (tốc độ tăng trưởng). Dấu hiệu nhận biết là 2 loại bảng số liệu: bảng số liệu cho sẵn tốc độ tăng trưởng (%), năm đầu trong bảng số liệu là 100%; bảng số liệu thô. Từ để nhận dạng trong câu hỏi là: thể hiện tốc độ tăng trưởng/ tình hình tăng trưởng… Có thể không cần quan sát bảng số liệu là đơn vị gì, chỉ cần thấy cụm từ “tốc độ tăng trưởng”.
Thứ 5 là biểu đồ kết hợp (cột - đường). Dạng này, từ để nhận dạng trong câu hỏi rất chung chung, thường là “thể hiện tình hình phát triển”… không ám chỉ 1 đối tượng cụ thể nào.
Loại biểu đồ này bắt buộc phải quan sát bảng số liệu. Nếu bảng số liệu có 2 đối tượng: 1 đơn vị thô và 1 đơn vị tương đối (%), đó là dàn kết hợp cột đơn - đường.
Nếu bảng số liệu có 3 đối tượng: 2 đối tượng cùng đơn vị, cùng là thành phần, không tổng; 1 đối tượng còn lại có đơn vị khác 2 đối tượng trên, đó là dạng kết hợp cột đôi - đường.
Nếu bảng số liệu có 3 đối tượng: 2 đối tượng cùng đơn vị, cùng là thành phần, nằm trong 1 tổng; 1 đối tượng còn lại có đơn vị khác 2 đối tượng trên, đó là dạng kết hợp cột chồng - đường.
Tóm lại, trong 5 loại biểu đồ thì biểu đồ kết hợp là biểu đồ khó nhận ra nhất, nhưng nếu hiểu rõ 4 loại (cột, tròn, miền, đường) thì có thể dùng phương pháp loại trừ.
Với dạng cho sẵn 1 biểu đồ và yêu cầu tìm tên biểu đồ, cô Trịnh Thị Thùy Dương hướng dẫn cách nhận biết như sau:
Nếu biểu đồ cột, đơn vị thô: giá trị, sản lượng, năng suất…, học sinh chú ý đơn vị trên trục tung (ví dụ: tỉ đồng - giá trị, nghìn tấn - sản lượng, tạ/ha - năng suất,…);
Nếu biểu đồ tròn: cơ cấu giá trị, sản lượng, năng suất… với bằng hoặc nhỏ hơn 3 năm;
Nếu biểu đồ miền: sự chuyển dịch cơ cấu… với hơn 3 năm;
Nếu biểu đồ đường, năm đầu tiên của các đối tượng cùng là 100%: tốc độ tăng trưởng;
Nếu biểu đồ kết hợp: tình hình phát triển….
Kinh nghiệm học, làm bài nhận xét bảng số liệu, biểu đồ
Theo cô Thùy Dương, bảng số liệu, biểu đồ thường có các năm. Trong từng năm sẽ cho các đối tượng có mối quan hệ với nhau, hoặc cùng là đối tượng thành phần, hoặc các đối tượng thành phần trong một tổng thể.
Có 2 cách hỏi với nội dung này, đó là: nhận xét nào sau đây đúng hoặc nhận xét nào sau đây không đúng?
Học sinh cần chú ý phân tích từng phương án trả lời dựa vào bảng số liệu hoặc biểu đồ. Đúng hay sai so với bảng số liệu hoặc biểu đồ thì ghi chú “đúng”, “sai” vào phương án đó. Sau đó, học sinh quay lại xem đề yêu cầu chọn câu nhận xét đúng hay nhận xét không đúng.
Một vài loại câu nhận xét được cô Dung gợi ý như sau: Tăng, giảm (ổn định hay không ổn định); cao, thấp (lớn, nhỏ), cao hơn, thấp hơn, cao nhất, thấp nhất; đều tăng (các đối tượng cùng tăng); đều giảm (các đối tượng cùng giảm); tăng nhanh/chậm, giảm nhanh/chậm (so sánh 2 đối tượng cùng tăng hoặc cùng giảm, bắt buộc phải tính số lần tăng thêm hoặc số lần giảm xuống của mỗi đối tượng, bằng cách chia số lần”; tăng nhiều/ít, giảm nhiều/ít (so sánh 2 đối tượng cùng tăng hoặc cùng giảm, bắt buộc phải tính giá trị tuyệt đối (thô) tăng thêm hoặc giảm xuống của mỗi đối tượng, bằng bài toán trừ).
Tuy nhiên, đề thi chính thức năm 2020 và đề tham năm 2021 có xuất hiện loại câu dẫn yêu cầu nhận xét, nhưng học sinh phải tính toán trước thì mới chọn được câu nhận xét đúng hoặc không đúng.
Ví dụ câu 61, đề tham khảo kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021 hỏi: Theo bảng số liệu, cho biết năm nào sau đây In-đô-nê-xi-a nhập siêu?
Như vậy, học sinh phải hiểu thế nào là xuất siêu, thế nào là nhập siêu thì mới nhận xét được, trong khi bảng số liệu chỉ có giá trị xuất khẩu và giá trị nhập khẩu.
Do đó, ngoài việc rèn luyện kĩ năng nhận xét, học sinh cũng cần phải hiểu rõ các công thức tính toán trong môn Địa lý để làm bài thi đạt điểm cao hơn.
Bình luận