Những kiến thức cần lưu ý
Theo thầy Trương Quyền Vũ, Trường THPT Chu Văn An, An Giang, đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 môn Địa lý chủ yếu có nội dung thuộc chương trình lớp 12 và được phân ra các chủ đề: địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, địa lý kinh tế. Địa lý kinh tế bao gồm địa lý các ngành kinh tế và địa lý các vùng kinh tế.
Địa lý các ngành kinh tế gồm nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ (giao thông vận tải, thương mại, du lịch). Trong mỗi ngành cần lưu ý vai trò từng ngành, điều kiện phát triển, tình hình phát triển, sự chuyển dịch cơ cấu ngành và các giải pháp cũng như hướng phát triển của ngành đó.
Địa lý các vùng kinh tế gồm có 7 vùng kinh tế, mỗi vùng cần nắm được vị trí địa lý, các vấn đề nổi bật của vùng đó. Ngoài ra, chương trình còn có nội dung về phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo.
Trong năm học 2020 - 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều chỉnh nội dung dạy học, cho nên trong quá trình ôn tập, học sinh cần lưu ý những nội dung điều chỉnh theo hướng giảm tải.
“Trong đề tham khảo, phần địa lý kinh tế có khoảng 16 câu lý thuyết, chiếm 40% nội dung đề thi tham khảo và thể hiện đủ các ngành kinh tế cũng như 7 vùng kinh tế của nước ta.
Phần lớn các câu hỏi trong nội dung này có đủ 4 mức độ nhận thức: nhận biết, hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Tuy nhiên câu hỏi vận dụng và vận dụng cao tập trung nhiều ở nội dung kiến thức về 7 vùng kinh tế.” – thầy Trương Quyền Vũ lưu ý.
Phương pháp học hiệu quả: sơ đồ hóa
Từ đề thi tham khảo, thầy Trương Quyền Vũ cho rằng, học sinh khi học ôn tập cần lưu ý: nội dung đề thi phần lớn tập trung ở chương trình lớp 12, riêng lớp 11 chiếm tỷ lệ 5% lại nghiêng về phần kỹ năng phân tích số liệu, biểu đồ.
Ở nội dung kiến thức lớp 12, đề thi bao quát cả chương trình, trong đó số câu hỏi thuộc phần địa lý các ngành kinh tế và địa lý các vùng kinh tế lại chiếm đa số.
Phần kỹ năng có đến 19 câu, trong đó kỹ năng khai thác Atlat Địa lý Việt Nam có đến 15 câu. Đề thi cũng giống như mọi năm vẫn có những câu hỏi phân hóa ở mức vận dụng cao.
Để ôn tập có hiệu quả, học sinh cần có phương pháp học phù hợp, tránh học đối phó; phải có nền tảng kiến thức vững chắc.
Đối với nội dung địa lý kinh tế thì phương pháp học theo sơ đồ hóa sẽ giúp học sinh hệ thống lại kiến thức một cách khái quát; sau đó là nội dung kiến thức cụ thể.
Học sinh phải vận dụng được mối liên hệ của điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, giữa ngành kinh tế và vùng kinh tế.
Ngoài ra, học sinh cần tăng cường luyện tập thường xuyên các câu hỏi, bài tập do giáo viên đưa ra hoặc tham khảo các tài liệu ôn tập.
Kỹ năng làm bài thi: đọc kỹ câu dẫn và tìm từ khóa
Đưa lời khuyên với thí sinh khi làm bài thi, thầy Trương Quyền Vũ cho rằng: Đề thi gồm 40 câu từ dễ đến khó, học sinh cần bình tĩnh, tự tin khi làm bài. Cùng với đó, đọc kỹ câu dẫn và phương án trả lời để chọn phương án đúng nhất.
Học sinh cần khai thác Atlat Địa lý Việt Nam để làm những câu hỏi liên quan đến kỹ năng này cũng như kỹ năng nhận dạng biểu đồ, phân tích biểu đồ, số liệu vì số câu khai thác các kỹ năng địa lý có đến 19 câu chiếm tỷ lệ 47,5%.
Việc hoàn thành trả lời các câu hỏi dễ ở mức độ nhận biết sẽ giúp học sinh tự tin làm tiếp ở các câu hỏi tiếp theo có yêu cầu khó hơn.
Những câu hỏi thuộc nội dung địa lý kinh tế có đầy đủ các mức độ nhận thức, học sinh phải đọc kỹ câu dẫn và tìm từ khóa, nhất là những đặc trưng hoặc vấn đề nổi bật của từng ngành và từng vùng kinh tế; trên cơ sở đó đưa ra phương án chọn đúng nhất.
Đối với câu hỏi ở dạng phủ định như “không đúng”, “không phải”, cần phân tích 4 phương án để lựa chọn hoặc dùng phương pháp loại trừ để chọn phương án đúng nhất.
Các câu vận dụng cao trong đề thi thường không nhiều, chiếm khoảng 10% nhưng lại là những câu hỏi mang tính phân hóa; học sinh cần đọc kỹ câu dẫn, có phân tích, so sánh các phương án để tìm ra phương án đúng nhất.
* "Bí quyết bỏ túi" cho thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT - xem TẠI ĐÂY