Nam bệnh nhân 57 tuổi bị hoại tử chân do nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người"

GD&TĐ - Thông tin từ Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, Bình Định cho biết, vừa điều trị thành công cho nam bệnh nhân 57 tuổi va vào thúng đánh cá biển bị hoại tử chân do nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người".

Ảnh: BVCC.
Ảnh: BVCC.

Ngày 15/3, thông tin từ Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) cho biết, sau hơn nửa tháng tích cực điều trị, nam bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus hiếm gặp (còn gọi là vi khuẩn "ăn thịt người") đã ổn định sức khỏe và xuất viện.

Nam bệnh nhân tên là L.C (57 tuổi, ở TX.Hoài Nhơn, Bình Định, làm nghề đánh cá ở vùng biển Hoài Nhơn, Bình Định).

Trước đó, trong lúc đánh cá, bệnh nhân va phải cạnh sắc của thúng đánh cá biển làm chảy máu mặt trước cẳng chân trái.

Hai ngày sau, bệnh nhân xuất hiện vùng hoại tử màu đen ở vùng vết thương kèm 1 vài bọng nước màu nâu đen kích thước 4x5cm phân bố quanh vùng vết thương cẳng chân trái. Bệnh nhân có sốt, nhưng không đau bụng, không tiêu chảy.

Sau đó, người này đến Bệnh viện Phong - Da Liễu Trung ương Quy Hòa trong tình trạng tỉnh, mệt nhiều, đau đầu, chóng mặt, kèm thương tổn lan rộng cẳng chân trái gồm: bọng nước xuất huyết, sưng đau cẳng chân, mảng bầm máu kèm thương tổn hoại tử lan rộng đến gót chân.

Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được cho cấy máu và cấy dịch tại bọng nước và mô hoại tử để làm kháng sinh đồ trước khi dùng kháng sinh.

Khai thác bệnh nhân, người này chưa dùng bất kì loại kháng sinh nào; bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu với khoảng 250ml rượu/ngày, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) không điều trị.

Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng da nặng do nhiễm Vibrio Vulnificus, bệnh nhân được các bác sĩ tập trung hồi sức tích cực. Sau 24 giờ điều trị, bệnh nhân thoát sốc, dừng thuốc vận mạch, huyết áp ổn định. Bệnh nhân tiếp tục được bồi phụ nước và điện giải và theo dõi tình trạng huyết động.

Sau khi cấy dịch làm kháng sinh đồ, thương tổn da được chọc hút, rửa bằng nước muối sinh lý và chấm castellani ở vùng nhiễm trùng và được thay băng hằng ngày. Qua 3 ngày điều trị, thương tổn khô, mảng hoại tử không lan rộng, không xuất hiện bọng nước mới.

Kết quả nuôi cấy dịch tại mô tổn thương dương tính với Vibrio Vulnificus và nhạy cảm với nhiều kháng sinh. Sau 6 ngày điều trị, thương tổn bầm máu lặn dần, thương tổn hoại tử khô, không xuất hiện bọng nước mới hay thương tổn thứ phát.

Tuy nhiên, đến ngày thứ 7, bệnh nhân đột ngột xuất hiện bọng nước mới, có những mảng hoại tử xung quanh vết thương. Nhận thấy bệnh nhân xuất hiện biến chứng viêm da cơ hoại tử do vibrio (vibrio necrotising fasciitis). Khoa Lâm sàng quyết định hội chẩn với Khoa Ngoại tổng hợp đi đến thống nhất cắt lọc mảng hoại tử và bọng nước, đồng thời cấy lại kháng sinh đồ.

Kết quả kháng sinh đồ sau 3 ngày không còn thấy Vibrio vulnificus. Sau 7 ngày điều trị, thương tổn xẹp, không xuất hiện mảng hoại tử và bọng nước mới.

Hiện bệnh nhân được xuất viện về nhà, quản lý ngoại trú, được bác sĩ yêu cầu tái khám sau một tuần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Indonesia có khoảng 60 loại keris khác nhau. Ảnh: Wikipedia.org

Linh kiếm của Indonesia

GD&TĐ - Nếu ở hầu hết các nền văn hóa, kiếm chỉ giữ vai trò vũ khí thì ở Indonesia, kiếm cổ truyền – Keris mang cả giá trị quân sự lẫn tâm linh.