Cứu thành công bệnh nhi 8 tuổi bị lồng ruột non hiếm gặp

GD&TĐ - Các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi 8 tuổi bị lồng ruột non hiếm gặp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 9/3, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, sức khỏe của bé K.Đ.H (8 tuổi, ngụ huyện Định Quán, Đồng Nai) bị lồng ruột non hiếm gặp đã ổn định.

Bé ăn được sữa, hết sốt, bụng không chướng, tình trạng nhiễm trùng giảm và sẽ được xuất viện trong 3 ngày tới.

Trước đó, bệnh nhi nhập viện ngày 3/3, trong tình trạng đau bụng từng cơn, liên tục nôn ra dịch màu xanh, bụng chướng tăng dần, sốt.

Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhi, bé bắt đầu có những cơn đau từ trước đó mấy ngày, gia đình đưa đến điều trị ở bệnh viện tuyến dưới nhưng tình trạng của bé không giảm nên được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp tục điều trị.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi có tình trạng tắc ruột non khá nặng, có dấu hiệu hoại tử ruột và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp.

Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, phát hiện bệnh nhi có khối lồng ruột dài khoảng hơn 30 cm, có nhiều điểm hoại tử chảy dịch màu đen, có mùi hôi, khối lồng cách góc tá - hỗng tràng khoảng 90 cm, cách góc hồi manh tràng 170 cm.

Các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ đoạn ruột chứa khối lồng hoại tử và khâu nối lại ruột cho bệnh nhi.

Thông tin trên báo chí, bác sĩ chuyên khoa II Bùi Đình Hà, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trường hợp bệnh nhi K.Đ.H khá hiếm gặp, chiều dài ruột trong khối lồng khoảng 150 cm, trong lòng chứa 1 polyp hỗng tràng kích thước khoảng 2 x 3 cm có cuống.

Trường hợp này nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng, viêm phúc mạc toàn thể do hoại tử ruột, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và nặng nhất là nguy cơ tử vong rất cao.

Theo các bác sĩ, lồng ruột là tình trạng hai đoạn ruột chui vào nhau gây tắc nghẽn sự lưu thông của ruột. Trong đó tình trạng lồng ruột non rất hiếm gặp chỉ chiếm 1 - 10% trong các loại lồng ruột ở trẻ em.

Các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chú ý con, cháu mình thật kỹ, nếu có những biểu hiện lạ như những cơn đau bụng đột ngột hoặc tình trạng nôn ói thì nên đưa bé đến các cơ sở y tế chuyên khoa nhi để thăm khám và phát hiện sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm và có hướng điều trị kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.