Năm 2023 ngành 'công nghiệp không khói' của Hà Nội có lên ngôi?

GD&TĐ - Du lịch từng bước phục hồi, khách nội địa vượt xa kế hoạch đề ra trong năm 2022... là động lực đưa du lịch Hà Nội 'cất cánh' năm 2023.

Du khách đến với Chợ phiên vùng cao ngày Tết tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Du khách đến với Chợ phiên vùng cao ngày Tết tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tín hiệu từ sự hồi sinh

Sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 là cột mốc đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phát triển du lịch của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng trong thời gian tới. Đón năm 2023 trong không khí hân hoan, Hà Nội tin tưởng và kỳ vọng giữ vững vai trò là trung tâm du lịch của cả nước. Đồng thời, tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô là điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn.

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, với chính sách mở cửa (du lịch quốc tế và nội địa) từ ngày 15/3/2022, khách du lịch nội địa tăng trưởng mạnh. Ước tính cả năm 2022, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt, tăng gấp 1,87 lần so với kế hoạch và 4,7 lần so với năm 2021, bằng 64,7% lượng khách năm 2019.

Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt khách, đạt chỉ tiêu kế hoạch và bằng 21,4% lượng khách quốc tế đến Hà Nội năm 2019 (năm 2021 Hà Nội không đón khách du lịch quốc tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19).

Với khách du lịch nội địa, Hà Nội ước đạt 17,2 triệu lượt khách, tăng gấp 2,15 lần so với kế hoạch và 4,3 lần so với năm 2021, bằng 78,5% lượng khách du lịch nội địa năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,68 lần so với kế hoạch và 5,3 lần so với năm 2021 và bằng 57,8% tổng thu từ khách du lịch năm 2019.

Hà Nội hiện có 3.650 cơ sở lưu trú du lịch với 65.400 phòng, trong đó có 600 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao với 25.054 phòng, chiếm 16,44% tổng số cơ sở lưu trú du lịch và 38,3% tổng số phòng. Năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao ước đạt khoảng 41,2%, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Đánh giá về sự phục hồi của du lịch nội địa, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - cho biết, đây là nỗ lực không nhỏ của du lịch Hà Nội trong bức tranh phục hồi chung của du lịch cả nước.

Du lịch Hà Nội có nhiều nỗ lực trong các công tác tham mưu UBND thành phố kế hoạch phục hồi, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng sản phẩm mới. Đồng thời, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn, thực hiện chuyển đổi số…

Hà Nội đã triển khai nhiều các sản phẩm du lịch để tập trung thu hút khách như: Tour du lịch Đêm thiêng liêng sáng ngời tinh thần Việt của Khu di tích nhà tù Hỏa Lò; chương trình Chợ phiên vùng cao phía Bắc của Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; chuỗi hoạt động Ocean Festival tại Công viên thiên đường Bảo Sơn; chuỗi sản phẩm: Khám phá Đông Nam Á của Bảo tàng Dân tộc học, tour xe bus 2 tầng – Hanoi City Tour khám phá phố phường Hà Nội…

Nhiều sự kiện, chương trình xúc tiến quảng bá du lịch đã được tổ chức và thu hút đông đảo du khách như: Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2022; Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022; Hội chợ Du lịch quốc tế VITM – Hà Nội 2022; Hành trình Hữu nghị năm 2022; Khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài và khai trương phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây...

Năm mới niềm vui mới…

Người dân Thủ đô chào mừng năm mới 2023 tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Người dân Thủ đô chào mừng năm mới 2023 tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Chào đón năm mới 2023, dù thời tiết Hà Nội khá lạnh trong ngày cuối cùng của năm 2022, nhưng hàng nghìn người dân Thủ đô vẫn đổ dồn về quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và Cách mạng tháng Tám (trước Nhà hát Lớn), nơi tổ chức lễ hội Countdown chào đón năm mới. Lễ hội có sự xuất hiện của dàn nghệ sĩ như Mỹ Linh, Mỹ Anh, JustaTee, Phương Ly, DJ quốc tế như Hyoyeon, Quintino...

Tương tự tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tưng bừng diễn ra Chợ phiên vùng cao ngày Tết chào đón năm 2023. Phiên chợ đã thu hút đông đảo du khách thập phương vào không gian chợ xuân và các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Kháng, Phù Lá… của các địa phương vùng cao như Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La...

TP Hà Nội sở hữu gần 6.000 di tích, 318 làng nghề truyền thống, nhưng đến nay mới có 28 khu, điểm du lịch được thành phố công nhận đạt chuẩn. Đây là những điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Đón năm mới và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các khu, điểm du lịch đã nâng cấp dịch vụ, sẵn sàng đón khách.

Trước thời cơ và vận hội mới của năm 2023, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - cho biết, phấn đấu số lượng khách du lịch đến Thủ đô đạt khoảng 22 triệu lượt, tăng 17,6% so với năm 2022.

Trong đó đạt 3 triệu lượt khách quốc tế (có 2,1 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 100% so với năm 2022 và 19 triệu lượt khách nội địa, tăng 10,5% so với năm 2022. Qua đó, phấn đấu tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 77 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2022. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 45%, tăng 5 điểm % so năm 2022.

Để đạt được kết quả trên, Hà Nội tập trung triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã. Đồng thời, chú trọng nâng cấp phát triển sản phẩm du lịch tại 4 tuyến chính từ trung tâm TP Hà Nội đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Sơn (Mỹ Đức), Thạch Thất - Quốc Oai và Sơn Tây - Ba Vì.

Thành phố Hà Nội đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đêm như làm mới các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, triển khai tuyến đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây, tuyến phố đi bộ tại khu đô thị Nam vành đai 3, quận Hoàng Mai và không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang - Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng…

Ngoài ra, du lịch thành phố phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến du lịch, đặc biệt là các điểm đến di tích, di sản xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các giá trị truyền thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.