Mô hình Triton khi hoạt động. Ảnh: Oscilla Power |
Theo Science Alert, để khai thác nguồn năng lượng tiềm năng này, các nhà nghiên cứu từ công ty Oscilla Power chuyên về năng lượng tái tạo, đã tạo ra một thiết bị có tên Triton gồm một loạt các máy phát nổi trên mặt biển, được giữ với nhau bằng các sợi cáp đặt dưới nước.
"Khi sóng tương tác với thiết bị, có một sự chuyển đổi các cực từ được tạo ra bên trong kim loại, được sử dụng để phát điện", theo tác giả Meagan Parrish.
Nhóm nghiên cứu giải thích, năng lượng sẽ được khai thác không phải thông qua sự chuyển động của bất kỳ bộ phận nào trong thiết bị. Nếu làm vậy Triton sẽ bị sóng đánh vỡ. Thay vào đó, năng lượng sẽ được hấp thụ nhờ các sợi cáp nối linh hoạt. Những sợi cáp này được nối với một đĩa nâng bất đối xứng bằng kim loại (heave plate) đặt dưới biển. Khi nước biển chuyển động truyền tới, đĩa này sẽ chuyển động và truyền năng lượng lên máy phát điện theo các sợi cáp.
Triton là thiết bị độc nhất có thể khai thác năng lượng từ các loại chuyển động nâng lên hạ xuống, lắc ngang, quay dọc và quay ngang.
Triton đang được thử nghiệm ở quy mô nhỏ để đảm bảo nó có thể chịu được các lực xô đẩy lớn trong lòng đại dương trên thực tế. Mặc dù còn sớm, nhưng các báo cáo chỉ ra rằng, nếu nhóm nghiên cứu thành công với thiết kế của mình, Triton có thể đáp ứng một phần ba nhu cầu năng lượng của Mỹ và 15% nhu cầu thế giới.
Cụ thể, mỗi máy phát sẽ có công suất 600 kW, trong khi năng lượng sinh hoạt gia đình trung bình tại Mỹ vào khoảng 911 kWh (1,26 KW) mỗi tháng, nghĩa là mỗi máy phát sẽ cung cấp đủ điện cho khoảng 500 hộ gia đình.