Việt nữ kiếm là một truyện ngắn võ hiệp của cố nhà văn Kim Dung, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1970. Bối cảnh của câu chuyện xảy ra sau khi Việt Vương Câu Tiễn bại trận trước Ngô Vương Phù Sai.
Câu Tiễn thi hành chín chính sách diệt Ngô của Văn Chủng. Trong đó có việc dâng hai mỹ nữ là Tây Thi và Trịnh Đán cho Phù Sai để ông đắm chìm trong xa hoa, xao lãng việc nước.
Phù Sai cử tám kiếm sĩ sang nước Việt để so tài, đồng thời cũng để giám sát thực lực của Câu Tiễn, cho ông ta biết khó, mà từ bỏ ý định phục thù.
Các kiếm sĩ Ngô lần lượt đấu một, đấu đôi và đấu bốn với các kiếm sĩ nước Việt và giết liên tục tám người là vệ sĩ của Câu Tiễn. Hơn nữa họ còn biết sử dụng binh pháp trong khi giao đấu. Mặc dù rất tức giận nhưng Câu Tiễn vẫn làm ra vẻ thản nhiên và ban tặng cho tám kiếm sĩ nước Ngô mỗi người mười cân vàng.
Trong một lần đi dạo, Phạm Lãi gặp 8 kiếm sĩ nước Ngô. 8 kiếm sĩ này ngang ngược chém đứt tay thị vệ của Phạm Lãi và cũng vô duyên vô cớ chém chết dê của cô bé A Thanh. A Thanh bắt chúng đền nhưng chúng không đền còn muốn giết cô, chỉ với bốn động tác cô đã chọc mù một mắt hai tên.
6 tên còn lại xông vào bao vây nhưng cũng bị cô chọc mù một mắt từng người một. Phạm Lãi đã đứng ra đền dê cho cô gái và mời cô gái về nhà.
Cô gái nói thương đàn dê không nỡ thấy chúng bị người ta giết thịt. Thấy thế, Phạm Lãi cho người đem gạo, vải đến nhà cô để cô khỏi phải bán dê, đồng thời dò hỏi xem ai đã dạy cô kiếm pháp.
A Thanh nói là ông Bạch. Muốn gặp ông Bạch thì phải đi chăn dê. Từ đó, ngày ngày Phạm Lãi đi chăn dê cùng cô, kể cho cô nghe nhiều câu chuyện và cô đã yêu ông.
Ông Bạch, thực ra là một con vượn trắng, trông thấy A Thanh và Phạm Lãi thân mật thì nổi cơn ghen, ba lần xông vào định giết Phạm Lãi, nhưng A Thanh đều phá giải được các đường tấn công của nó và đánh nó gãy hai tay. Con vượn đau quá bỏ chạy.
Biết cô gái không biết dạy người khác kiếm pháp nên Phạm Lãi đã triệu tập tám mươi kiếm sĩ giỏi nhất đến để đấu với cô, nhưng họ đều bị cô đánh trọng thương chỉ sau hai hoặc ba lần múa gậy. Rồi sau đó cô bỏ đi mất tích. Phạm Lãi cho người tìm khắp nước Việt nhưng không thấy cô.
Tám mươi kiếm sĩ kia tuy không nhìn thấy rõ ràng những động tác của cô nhưng cũng đã hình dung được một thứ kiếm pháp tuyệt diệu. Trên nền tảng đó họ đã huấn luyện kiếm pháp cho quân đội nước Việt.
Tạo hình Tây Thi trên phim.
Ba năm sau Câu Tiễn hưng binh phạt Ngô. Quân Ngô bị thua. Phạm Lãi dẫn một ngàn binh tiến vào Quán Oa cung của Ngô vương. Đang vui mừng gặp lại Tây Thi thì nghe thấy tiếng dê, rồi tiếng A Thanh vang vọng ở bên ngoài đòi giết Tây Thi. Lúc này Phạm Lãi mới hiểu ra A Thanh đã yêu mình.
Phạm Lãi liền cho điều một nghìn tên giáp sĩ, một nghìn kiếm sĩ, chia ra thủ ngự mặt trước, mặt sau Quán Oa cung và băn khoăn không biết xử lý A Thanh thế nào vì cô ấy là ân nhân của nước Việt.
A Thanh biết Phạm Lãi yêu Tây Thi và đang ở bên nàng. Nữ kiếm sĩ vượt qua hàng rào thị vệ, đến chỗ đôi tình nhân định xuống tay. Tuy nhiên, cô nhận ra Tây Thi quá đẹp, gây rúng động lòng người nên bỏ đi.
Chỉ qua chi tiết nhỏ này, Kim Dung đã thể hiện được nhan sắc nhân vật. Sau đó Phạm Lãi bỏ lại tất cả, đưa Tây Thi đi bơi thuyền trên Thái Hồ, cắt đứt mọi mối quan hệ với thế giới bên ngoài, sống cuộc đời phóng khoáng tự do, ung dung tự tại.
Do là truyện ngắn, Việt nữ kiếm ít thu hút các nhà làm phim. Tác phẩm chỉ một lần được đài chuyển thể vào năm 1986 và bản này không có Tây Thi. Tuy nhiên, nhân vật là một trong Tứ đại mỹ nhân thời cổ Trung Quốc, xuất hiện nhiều lần trong các phim và tác phẩm văn học khác, không liên quan đến Kim Dung.
Người đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc
Tây Thi tên thật là Thi Di Quang là người đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc. Tây Thi nổi tiếng với sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Tuy nhiên đáng tiếc, nàng nhanh chóng bị kéo vào cuộc chiến tranh tàn khốc giữa hai nước Ngô, Việt.
Tây Thi đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc.
Sau khi nước Ngô bị tiêu diệt, Tây Thi hoàn thành sứ mệnh của một nữ nhi yếm thắm đối với Tổ quốc, vẻ vang trở về nước Việt. Tuy nhiên, sau khi Tây Thi trở về nước Việt, số phận ra sao, hiện vẫn chưa có được sự thống nhất.
Có một giả thuyết đưa ra là, sau khi nước Ngô bị nước Việt diệt vong, Tây Thi đã bị người ta ném xuống sông mà chết. Tuy nhiên, vấn đề là, ai là người đã nỡ tâm dìm chết Tây Thi thì đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Sách Đông Chu Liệt quốc chí nói rằng, Tây Thi bị vợ của Việt Vương Câu Tiễn giết chết. Nguyên nhân là vì, sau khi tiêu diệt nước Ngô, giết Ngô Vương Phù Sai, Câu Tiễn ca khúc khải hoàn trở về nước Việt và mang theo cả Tây Thi. Vợ của Câu Tiễn cho rằng, Tây Thi là "thứ gây ra họa vong quốc, không nên giữ lại".
Cũng có ý kiến cho rằng, Tây Thi và Phạm Lãi đã về quê sống ẩn dật. Tây Thi vốn là tình nhân của Phạm Lãi, nhưng vì nghiệp lớn cứu quốc đã hi sinh tình yêu và tuổi thanh xuân. Nước Ngô không còn, hai người có cơ hội gần nhau.
Phạm Lãi đã nói với Tây Thi rằng: “Câu Tiễn, con người này có thể chung hoạn nạn, nhưng không thể cùng hưởng sự an lạc. Khi thỏ chết, người ta cũng giết chó săn. Chúng ta không thể ngồi đó đợi nguy hiểm, chi bằng hãy cùng nhau cao chạy xa bay”.
Hai người, sau đó đã lên thuyền ngao du thỏa chí thuyền quyên. Tương truyền, Phạm Lãi sau này chuyển sang làm ăn buôn bán và phát tài lớn, Tây Thi trở thành một “phu nhân” giàu có.