Mỹ ngạc nhiên trước tốc độ xây dựng sức mạnh mới của Moscow

GD&TĐ - Tờ Wall Street Journal (WSJ) mới đây tiết lộ, Mỹ đã rất ngạc nhiên trước tốc độ xây dựng liên minh mới của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham dự tiệc chiêu đãi tại Bình Nhưỡng, ngày 19/6/2024
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham dự tiệc chiêu đãi tại Bình Nhưỡng, ngày 19/6/2024

WSJ trích dẫn các nguồn tin tình báo ẩn danh nói rằng, Washington không lường trước được quan hệ đối tác an ninh của Moscow với Bắc Kinh, Bình Nhưỡng....

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một hiệp ước đối tác chiến lược với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vào ngày 19/6/2024.

Chuyến đi của ông Putin tới Trung Quốc vào tháng trước đã thúc đẩy một nhà hoạch định chính sách của Mỹ khẳng định rằng, nhiều thập kỷ nỗ lực của Washington nhằm giữ Moscow và Bắc Kinh xa cách đã trở nên vô ích.

"Tốc độ và chiều sâu của các mối quan hệ an ninh đang mở rộng liên quan đến các đối thủ của Mỹ đôi khi khiến các nhà phân tích tình báo Mỹ ngạc nhiên.

Họ cho biết Nga và các quốc gia khác đã gạt sang một bên những bất đồng lịch sử để cùng nhau chống lại cái mà họ coi là hệ thống toàn cầu do Mỹ thống trị", WSJ đưa tin hôm 19/6.

Washington đã cáo buộc Bình Nhưỡng "cử nhân viên đến Nga để giúp điều hành các dây chuyền sản xuất vũ khí", cũng như bán tên lửa và đạn pháo cho Nga để họ sử dụng chống lại Ukraine.

Mỹ cũng tin rằng, Trung Quốc đã giúp ngành công nghiệp quân sự của Nga lách lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách cung cấp "số lượng lớn thiết bị lưỡng dụng, bao gồm máy công cụ, vi điện tử… quang học cho xe tăng và xe bọc thép, và động cơ turbo cho tên lửa hành trình", theo các nguồn tin của WSJ.

Lầu Năm Góc cũng cáo buộc Trung Quốc đã giúp Nga "cải thiện vệ tinh và các năng lực không gian khác để sử dụng ở Ukraine".

Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc của Washington, gọi các lệnh trừng phạt là đơn phương và bất hợp pháp, đồng thời chỉ trích Mỹ đạo đức giả khi thúc đẩy cuộc xung đột bằng cách trang bị vũ khí, cung cấp đạn dược, tiền bạc cho Kiev.

Iran đã trở thành "nhà cung cấp vũ khí chính của Nga", các quan chức Lầu Năm Góc giấu tên nói với WSJ, cáo buộc Tehran giúp xây dựng một nhà máy ở khu vực Tatarstan có khả năng sản xuất hàng nghìn máy bay không người lái Shahed-136.

"Mở rộng quan hệ an ninh của Nga với CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc và Iran không phải là một liên minh quân sự giống như NATO mà dường như là một loạt các cuộc trao đổi song phương", các quan chức Mỹ giấu tên nói với WSJ, và họ cho biết thêm rằng, việc chuyển giao công nghệ có nguy cơ cải thiện năng lực lâu dài của tất cả các quốc gia liên quan, do đó đe dọa Mỹ.

Đầu tháng này, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố rằng, chiến lược quan hệ kinh tế của Nga với Nam bán cầu sẽ bao gồm các quan hệ đối tác dựa trên “chuyển giao công nghệ và năng lực thay vì kiểm soát thị trường”.

Moscow cũng đã ra hiệu rằng, họ sẽ chuyển sang Nam bán cầu, nơi đã bị phương Tây xa lánh vì hành vi của phương Tây trong cuộc xung đột Ukraine.

“Việc Mỹ và các đồng minh nỗ lực nhằm cô lập Nga sẽ khiến họ phải chịu một thất bại hoàn toàn", Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergey Lavrov, từng nói.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ