Mỹ không thể làm ra hợp kim đặc biệt như Nga
Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Nga mang tên “Viện Kurchatov” là ông Mikhail Kovalchuk, mới đây đã tuyên bố rằng, mặc dù đã mua hàng trăm động cơ tên lửa đẩy RD-180 của Nga, Hoa Kỳ vẫn không thể xác định thành phần của hợp kim mà Nga dùng để chế tạo động cơ.
“Cho đến nay, người Mỹ mua hàng trăm động cơ tên lửa RD-180 của Nga, chúng ta (Nga) đã bán động cơ đó cho họ trong nhiều năm. Tất nhiên là các chuyên gia Mỹ tháo rời động cơ, lắp ráp, rồi lại tháo rời, lắp ráp…, cứ thế mãi, nhưng vẫn không thể làm ra thứ hợp kim đó” – ông Kovalchuk nói.
Theo đánh giá của ông Kovalchuk, những phức tạp trong việc tạo ra hợp kim để sản xuất động cơ là đặc tính không chỉ đối với ngành Hàng không - Vũ trụ mà còn đối với ngành công nghiệp máy bay, cụ thể là số lượng hạn chế các nước có khả năng sản xuất động cơ dành cho máy bay chiến đấu.
Ông cho biết, mỗi chúng ta khi đi máy bay, ngồi gần khu vực cánh máy bay, tức là đang ngồi sát cạnh một tuabin đang quay. Tuabin này gồm nhiều cánh kim loại, những mảnh kim loại siêu nhỏ và mảnh, nhưng cực kỳ bền, bởi nó phải làm việc trong một môi trước cực kỳ khắc nghiệt.
Thứ nhất: Các cánh lá của tuabin chịu được những tải trọng cơ học kinh khủng nhất, bởi nó quay với tốc độ cực lớn.
Thứ hai: Tuabin quay trong khí cực nóng ở mức hơn 2.000 độ C.
Nhưng các cánh lá của tuabin cực kỳ bền, đến độ nếu giả sử một lưỡi tuabin văng ra, máy bay sẽ cắt xẻ và bị rơi.
Nhưng lưỡi tuabin đã quay trong điều kiện khắc nghiệt như thế trong hàng ngàn giờ, giúp chiếc máy bay bay trong nhiều năm. Độ bền của nó chính là do Nga có thể tạo ra một loại hợp kim độc đáo và đó cũng là một trong những loại nguyên nhân khiến Mỹ buộc phải mua động cơ tên lửa đẩy của Nga.
Nga cung cấp hàng trăm động cơ tên lửa đẩy cho Mỹ
Được biết, động cơ RD-180 chạy bằng dầu hỏa do Công ty nghiên cứu và chế tạo tên lửa NPO Energomash mang tên “V. P. Glushko” nghiên cứu phát triển và sản xuất theo đơn đặt hàng của hãng Pratt & Whitney Rocketdyne/Mỹ, thông qua công ty liên doanh RD AMROSS.
Ngoài động cơ RD-181 được sử dụng cho tên lửa đẩy Antares, Nga đã cung cấp cho Mỹ động cơ RD-180 được sử dụng trong giai đoạn đầu tên lửa Atlas-5.
Theo NPO Energomash, 122 động cơ RD-180 đã được gửi đến Mỹ kể từ năm 1999, trong đó 93 chiếc đã được sử dụng.
Lô động cơ tên lửa RD-180 cuối cùng của Nga đã được NPO Energomash chuyển giao cho phía Mỹ vào tháng 4/2021.
Vào tháng 3/2022, sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine chỉ chưa đầy nửa tháng, Nga đã tuyên bố ngừng cung cấp động cơ tên lửa cho Mỹ, bao gồm cả động cơ RD-180 và động cơ RD-181.
Trước đó, Hoa Kỳ dự định chấm dứt hoạt động của tên lửa Atlas với RD-180 vào giữa những năm 2020. Để thay thế tên lửa Atlas, tên lửa Vulcan đang được tạo ra, còn để thay thế RD-180, động cơ BE-4 sử dụng khí mêtan đã được đặt hàng công ty Blue Origin (Mỹ) nghiên cứu phát triển.
Hai chiếc động cơ BE-4 một buồng đốt được lắp đặt ở giai đoạn đầu của tên lửa đẩy Vulcan (thực tế là Atlas 6), sẽ cùng nhau cộng hưởng và cho ra lực đẩy mạnh hơn một động cơ RD-180 hai buồng của Atlas 5.
Tuy nhiên, nhiều trục trặc trong quá trình thử nghiệm động cơ đã khiến cho đến năm 2022 BE-4 Blue Origin vẫn chưa được chấp thuận đi vào sử dụng, dẫn đến tên lửa Vulcan cũng chưa được cấp phép phóng.
Do đó, Công ty United Launch Alliance (ULA) - nhà cung cấp dịch vụ phóng tàu vũ trụ của Mỹ, vẫn phải sử dụng các động cơ RD-180 còn dự trữ để phóng tiếp tên lửa Atlas 5, trong khi chờ đợi BE-4 được phát triển hoàn thiện và lắp ráp trên tên lửa Vulcan.