Moldova bất ổn

GD&TĐ - Moldova đang bất ổn vì lạm phát tăng vọt, chi phí năng lượng leo thang, cùng với sự không hài lòng của người dân vì việc xa lánh Nga, rời khỏi SNG.

Moldova bất ổn

Cựu Tổng thống Moldova lo cho tương lai đất nước

Cựu Tổng thống Moldova Igor Dodon mới đây đã khẳng định, khả năng nước này bị xếp vào danh sách các nước không thân thiện với Nga và cắt đứt quan hệ với Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG hay CIS, là các quốc gia thành viên cũ của Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết cũ) sẽ giáng đòn nặng vào nền kinh tế của đất nước.

Tuyên bố của ông Igor Dodon nhằm vào việc Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Moldova Nicu Popescu cho biết, chính quyền nước này đã phân tích mức độ liên quan của các thỏa thuận được ký kết trong khuôn khổ SNG và dự định hủy bỏ hàng chục văn kiện thuộc loại này.

Trước đó, các quan chức chính quyền Moldova đã lên tiếng về sự cần thiết phải thảo luận xem liệu việc nước này ở lại SNG có hợp lý hay không.

Người phát ngôn của Quốc hội Moldova là ông Igor Grosu cho biết rằng, Chisinau sẽ phải xem xét nghiêm túc việc rút khỏi tổ chức này.

Ông lưu ý rằng, các nhà chức trách nước này có kế hoạch rời khỏi SNG và việc đó sẽ mang lại nhiều khó khăn, ví dụ như việc rút khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập có thể dẫn đến việc Moldova bị các nước trong khối SNG áp dụng chế độ thị thực.

Theo cựu Tổng thống Moldova nói trên kênh truyền hình TVC 21, quan hệ với Nga hiện nay được duy trì ở cấp đại sứ quán. Nếu Chisinau đi theo con đường thù địch với Moscow, thì đó sẽ là điều rất tồi tệ đối với nền kinh tế của đất nước, Moldova sẽ bị đẩy đến bên bờ vực khủng hoảng.

Ông Dodon nhấn mạnh, nếu Moldova bị đưa vào danh sách các nước không thân thiện, thì Nga có thể đình chỉ thương mại tự do ở rất nhiều hạng mục và đó sẽ là một đòn nữa giáng thêm vào các chủ thể kinh tế đất nước này, vốn đã ở trong tình trạng kiệt quệ từ nhiều năm qua.

Chia rẽ ở Moldova vì lựa chọn Nga hay châu Âu

Kể từ khi bà Maia Sandu lên nắm quyền ở Chisinau thay ông Igor Dodon vào tháng 12/2020, nước này đã ngả hẳn theo con đường phương Tây.

Moldova đã được cấp tư cách ứng cử viên EU vào tháng 6 năm ngoái (cùng với Ukraine) và đang nỗ lực gia nhập Liên minh NATO.

Bắt đầu từ năm ngoái, các quan chức chính quyền Chisinau đã bỏ không tham gia các cuộc họp của SNG và EAEU (Liên minh Kinh tế Á-Âu), các tổ chức mà Moldova đang tham dự với tư cách quan sát viên, tỏ rõ quan điểm cương quyết xa lánh Moscow, rời bỏ các tổ chức do Nga lãnh đạo.

Tuy nhiên, giới phân tích đã chỉ ra rằng, những quyết định theo hướng này của các quan chức chính quyền của nữ Tổng thống Maia Sandu và Thủ tướng Dorin Recean đã gây ra nhiều bất ổn chính trị trong nước và vấp phải sự phản đối của người dân nước này.

Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến của Viện Marketing và Khảo sát xã hội học Moldova được công bố vào giữa tháng 3, hầu hết người dân Moldova ủng hộ việc duy trì quan hệ kinh tế, chính trị và văn hóa với Liên bang Nga, trong khi vẫn có thể tiến theo hướng châu Âu.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, hơn một nửa số người được hỏi ý kiến ở Moldova phản đối việc nước này rút khỏi SNG, nhiều người dân không hài lòng với mức sống hiện nay và cho rằng lãnh đạo đất nước có lỗi trong việc để giá gas và điện tăng cao.

Chính sự phản đối của các đảng đối lập và các cuộc biểu tình lớn ở Moldova đã dẫn đến việc nữ Thủ tướng Natalia Gavrilița tuyên bố từ chức cùng với chính phủ thân phương Tây của mình vào ngày 16 tháng 2 vừa qua, thay thế bằng nội các mới do ông Dorin Recean đứng đầu.

Trong bài phát biểu từ chức, bà Gavriliţa đã phải thừa nhận rằng, tình trạng lạm phát tăng vọt và chi phí năng lượng leo thang đã dẫn đến việc chính phủ của bà không nhận được sự ủng hộ từ trong nước, giống như sự hỗ trợ từ các đối tác châu Âu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ