Mỹ: Lộ yếu kém trong quản lý giáo dục mầm non

GD&TĐ - Khi kế hoạch tiêm chủng phòng Covid-19 tại Mỹ phổ biến rộng rãi, quốc gia này dần nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Trẻ mẫu giáo tại Mỹ phải đeo khẩu trang trong lớp học.
Trẻ mẫu giáo tại Mỹ phải đeo khẩu trang trong lớp học.

Người dân Mỹ đang trở lại cuộc sống bình thường song với lĩnh vực giáo dục mầm non, cuộc khủng hoảng vẫn chưa chấm dứt.

Từ học kỳ mùa thu năm 2021, trường mẫu giáo, phổ thông các cấp tại Mỹ sẽ mở cửa trở lại theo hình thức học kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Việc xếp lịch học đan xen như vậy được đánh giá là không phù hợp với trẻ mẫu giáo. Cùng với đó, các em chưa đủ điều kiện để tiêm vắc-xin nên cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực giáo dục mầm non dự kiến sẽ kéo dài lâu hơn các cấp học khác.

Theo một nghiên cứu quy mô quốc gia vào đầu đại dịch Covid-19, chỉ 10% trẻ từ 3 - 5 tuổi bám sát tiến độ chương trình học như trước đại dịch. Mùa thu năm 2020, tỷ lệ nhập học mẫu giáo ở trẻ dưới 5 tuổi giảm hơn 30%. Đáng chú ý, vào năm học, tỷ lệ trẻ bỏ học cũng tăng. Chẳng hạn, tại thành phố Ohio, ước tính 35% trẻ bỏ học mẫu giáo, tăng so với 19% vào năm học 2019 - 2020.

Không chỉ tỷ lệ bỏ học mẫu giáo tăng, chất lượng giáo dục trong lĩnh vực này cũng giảm sút đáng kể. Trẻ em tại Mỹ không tiếp thu được những kiến thức quan trọng trong những năm đầu đời khi phải học từ xa hoặc học kết hợp.

Dữ liệu đánh giá khả năng đọc viết của trẻ mẫu giáo tại 41 tiểu bang cho thấy, gần 1/2 trẻ em nhận điểm học tập không đạt. Trong những năm trước đại dịch, con số này chỉ khoảng 1/4. Trẻ em da màu, trẻ em đến từ các gia đình thu nhập thấp, trẻ học song ngữ là những nhóm có kết quả học tập thấp nhất.

Những con số này chỉ ra rằng, các chương trình chăm sóc và giáo dục sớm tại Mỹ chưa được xây dựng tốt. Thực tế, từ trước đại dịch Covid-19, quốc gia này đã đầu tư rất thấp vào giáo dục mầm non khi so sánh với các nước cùng phát triển. Đến nay, các chương trình chăm sóc trẻ em nhận được rất ít viện trợ và hỗ trợ không đồng đều.

Trên cả nước, giáo viên mầm non bày tỏ căng thẳng, áp lực. Nhiều người xin nghỉ việc, để lại khoảng trống lớn trong nhà trường. Cũng vì vậy, phụ huynh phải xoay sở để tự giáo dục con cái tại nhà.

PGS Christina Weiland, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến chính sách giáo dục, đánh giá, đại dịch đã làm lộ rõ những yếu kém trong chương trình chăm sóc trẻ em, giáo dục mầm non. Tuy nhiên, chính quyền Biden chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực chăm sóc trẻ em khi xây dựng Kế hoạch Gia đình Mỹ. Vì vậy, cần thiết phải có những thay đổi dài hạn để xây dựng hệ thống chăm sóc và giáo dục sớm nhất quán, vững chắc.

Bà Weiland gợi ý, nếu được đầu tư nguồn vốn mới, lĩnh vực giáo dục mầm non có thể được cải thiện. Chính phủ có thể hỗ trợ chi phí để các trường, trung tâm chăm sóc trẻ em tổ chức chương trình đào tạo mang tính phục hồi sau đại dịch. Ví dụ, trong một vài năm tới, các trường có thể tổ chức chương trình giáo dục hè, chương trình dạy kèm cho trẻ nhỏ để trang bị lại kiến thức bị mất trong thời gian qua.

Với giáo viên là chương trình đào tạo và hỗ trợ để liên tục cập nhật kiến thức mới về cách chăm sóc trẻ nhỏ. Ngoài ra, nguồn hỗ trợ có thể được sử dụng để tăng lương cho giáo viên; cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị.

“Để đất nước phục hồi, chúng ta cần đầu tư xây dựng lĩnh vực giáo dục mầm non, đáp ứng nhu cầu của tất cả trẻ em và phụ huynh. Đồng thời phải hỗ trợ các nhà trường, giáo viên cải thiện chất lượng dạy và học để trẻ nhỏ phát triển toàn diện”, bà Weiland cho biết.

Theo The Hill

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.