Giáo dục Mỹ: Những vấn đề chưa được nhìn nhận đúng

GD&TĐ - Vụ bê bối gian lận tuyển sinh ĐH ở Mỹ có tất cả các thành phần của một bộ phim truyền hình, bao gồm sự hồi hộp, người nổi tiếng, những khúc ngoặt bất ngờ. Tuy nhiên, đằng sau “bộ phim” ấy, một cuộc khủng hoảng GD khác đang xuất hiện, đáng lo ngại hơn rất nhiều so với những gian lận đã được phanh phui. Dưới đây là góc nhìn của nhà khoa học, chuyên gia GD Mỹ, ông Sebastian Thrun, xung quanh vấn đề này.

Ông Sebastian Thrun chỉ ra thực tế rằng, không phải cứ SV những trường ĐH danh tiếng như Stanford đều là những người giỏi
Ông Sebastian Thrun chỉ ra thực tế rằng, không phải cứ SV những trường ĐH danh tiếng như Stanford đều là những người giỏi

Sự thực gây sốc

Một nghiên cứu do Korn Ferry (Công ty Tư vấn quản lý và tìm kiếm điều hành, có trụ sở tại Los Angeles - ND) thực hiện năm 2018, đưa ra cảnh báo, đến năm 2030, trên toàn cầu có nguy cơ thiếu hụt tài năng, ước chừng hơn 85,2 triệu người, tiêu tốn khoảng 8,5 nghìn tỷ đô la doanh thu. Chỉ riêng tại Mỹ, nghiên cứu dự báo doanh thu bị mất 1,7 nghìn tỷ USD do thiếu hụt lao động cấp cao, chiếm khoảng 6% toàn bộ nền kinh tế.

Vụ bê bối gian lận tuyển sinh ĐH giúp bạn dễ dàng phản ứng và tập trung sự chú ý vào bộ phận cha mẹ giàu có, nổi tiếng, nhưng có lẽ nên có một cuộc thảo luận khác về cách san bằng sân chơi GD. Giải pháp thường được trích dẫn cho tình trạng thiếu lao động toàn cầu, trong đó nhân viên hoặc người thất nghiệp học các kỹ năng mới, chỉ có thể thực hiện nếu mọi người tiếp cận được với GD.

Năm 2011, khi còn là GS tại ĐH Stanford, tôi và đồng nghiệp Peter Norvig đã dạy lớp Giới thiệu về Trí tuệ nhân tạo đối với 200 SV. Chúng tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu chia sẻ tài liệu trực tuyến. Thay vì thu hẹp lĩnh vực và chỉ cho phép một số lượng SV ưu tú được chọn, chúng tôi quyết định mở rộng bằng cách cho phép bất cứ ai đăng ký khóa học trực tuyến miễn phí thông qua trang web của Stanford. Chúng tôi nghĩ rằng có thể thu hút 500 SV. Thật ngạc nhiên, có tới 160.000 SV đăng ký.

Chúng tôi đã bị sốc khi phát hiện ra rằng, những SV thể hiện tốt nhất không phải đến từ Stanford. Trên thực tế, SV Stanford thể hiện tốt nhất chỉ xếp thứ 413.

Không có công việc cả đời, chỉ có GD cả đời

Có một kho tài năng khổng lồ, chưa được khám phá trên khắp thế giới. Đối với nhiều người trong số họ, GD tương đương với tự do. GD là công cụ mà một bà mẹ đơn thân sử dụng để có được vị trí công việc tốt, được trả lương cao hơn, cho phép cô ấy hỗ trợ gia đình. Đó là công cụ mà một người xin tị nạn sử dụng để đưa mình hòa nhập xã hội mới. Đó cũng là công cụ mà một nhân viên trung cấp sử dụng để cạnh tranh trong một thị trường luôn thay đổi.

Có 7,5 tỷ người trên thế giới, với hơn một nửa được xác định đang trong độ tuổi lao động (từ 15 - 64). Các trường ĐH hiện tại chỉ có thể chấp nhận rất nhiều SV cùng một lúc và họ thường tập trung vào nhóm người trẻ nhất trong độ tuổi lao động.

Sebastian Thrun là một nhà khoa học, nhà GD, nhà phát minh và doanh nhân nổi tiếng người Mỹ, đồng thời là người sáng lập, Chủ tịch và CEO của tổ chức GD Udacity. Ông cũng là CEO của Kitty Hawk và người sáng lập Google X, nơi ông lãnh đạo các dự án bao gồm xe tự lái, Google Glass... 

Thời đại danh giá của một tấm bằng tốt nghiệp và một sự nghiệp 40 năm đã qua từ lâu. Thay vào đó là một mô hình mới, trong đó người lao động có nhiều sự nghiệp trong suốt cuộc đời làm việc của họ, có thể phải cải tạo hoặc nâng cao trình độ. Trong một thế giới lý tưởng, mọi người có thể (và nên) học theo bất cứ cách nào phù hợp nhất với phong cách học tập của mình, lên lịch cụ thể cho dù đó là thông qua một trường ĐH truyền thống hoặc các khóa học và đào tạo trực tuyến. Điều quan trọng là mọi người đều có cơ hội như nhau để tiếp thu những kỹ năng mới đó.

Bản Tóm tắt Nhiệm kỳ của nhân viên năm 2018, được công bố bởi Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Hoa Kỳ, cho thấy lao động làm công ăn lương dành trung bình 4,2 năm với chủ sở hữu lao động hiện tại. Nếu chia theo nhóm tuổi, sự chênh lệch rất rõ rệt. Thời gian trung bình dành cho một công việc của lao động từ 55 - 64 tuổi là 10,1 năm; trong khi đối với những người ở độ tuổi 25 - 34 chỉ có 2,8 năm.

Một số nhân viên nghỉ việc vì họ cảm thấy bị đối xử bất công nơi làm việc. Một số lại nghỉ việc vì có cơ hội khác hấp dẫn hơn. Nhưng những điều đó chỉ là một phần của vấn đề, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Kỹ năng mềm cũng quan trọng như kiến thức

Nghiên cứu của Korn Ferry năm 2018 dự báo đến năm 2030, sự thiếu hụt kỹ năng lao động công nghệ, truyền thông và viễn thông toàn cầu sẽ đạt 4,3 triệu vị trí và sản lượng chưa thực hiện gần 450 tỷ USD. Hoa Kỳ đang là nhà lãnh đạo công nghệ thế giới, có thể chịu thiệt hại lớn nhất của bất kỳ quốc gia nào trong nghiên cứu này, với sản lượng chưa thực hiện vào khoảng 162 tỷ đô la năm 2030.

Không ngạc nhiên, trong Thử thách C-Suite toàn cầu 2019, được phát hành bởi Conference Board (tổ chức tập hợp một nhóm các nhà điều hành cấp cao được chọn từ các công ty và tổ chức hàng đầu thế giới - ND) vào tháng 1/2019, các CEO được xếp hạng thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu là mối quan tâm nội bộ số một của họ.

Đó là lý do tại sao hơn 200 nhà tuyển dụng, bao gồm AT&T, Facebook, Google và IBM đang hợp tác với các tổ chức đào tạo uy tín nhất để làm cho việc học gắn liền với thực tiễn nghề nghiệp có thể truy cập rộng rãi. Đối với nhiều người trong số hàng chục triệu SV của chúng tôi, các kỹ năng dẫn đến một công việc được trả lương cao trong công nghệ trước đây nằm ngoài tầm với. Mục tiêu của chúng tôi không phải là giác ngộ; mà là việc làm và GD cho tất cả mọi người.

Đó là một mục tiêu cao cả, một phần bởi vì được tuyển dụng và đạt thành tích cao trong bất kỳ con đường sự nghiệp nào, không chỉ là biết cách lập trình hoặc có các kỹ năng cập nhật nhất. Bạn cũng cần có khả năng thực hiện tốt trong cuộc trò chuyện qua điện thoại đầu tiên với nhà tuyển dụng và thực hiện cuộc phỏng vấn trực tiếp. Danh sách mong muốn của nhà tuyển dụng thường bao gồm các kỹ năng mềm như sự đồng cảm và lắng nghe. Điều quan trọng đối với tất cả các tổ chức GD và nền tảng học tập là có một cuộc đối thoại cởi mở với nhà tuyển dụng.

Sẽ có nhiều cách để giải quyết nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động trong tương lai, nhưng trước tiên, chúng ta cần giải phóng sức mạnh của tiềm năng con người chưa được khai thác. Cách tốt nhất để làm điều đó là phá bỏ các rào cản đối với GD và san bằng sân chơi kinh tế. Rốt cuộc, GD là tự do, nếu bạn có thể có được nó.
Theo Wired

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.