Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu vấn đề về chăm sóc sức khỏe tâm thần trong một cuộc họp với các thống đốc bang tại Nhà Trắng, gợi nhắc về một thời gian khi các bang tại Mỹ duy trì các cơ sở chăm sóc cho những người gặp bất ổn tâm thần.
Theo Tổng thống Trump, hung thủ Nikolas Cruz trong vụ xả súng tại trường cấp 3 Marjory Stoneman Douglas ở Parkland nếu như trước đây được đưa đến một cơ sở điều trị tâm thần với những biểu hiện bất thường của y, thay vì phải cầu cứu sự trợ giúp của giới chức địa phương mà không mang lại kết quả.
Do đó, ông cho rằng cần phải cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, đồng thời nhấn mạnh giới chức các bang cần làm tốt hơn nữa việc xử lý các cánh báo về những đối tượng có hành vi bạo lực.
Cũng tại cuộc họp, Tổng thống Trump đã tái khẳng định lời kêu gọi tăng cường siết chặt kiểm tra thông tin của những người mua súng, phản ứng hiệu quả hơn đối với những tín hiệu cảnh báo sớm và cấm các thiết bị "độ" súng giúp chuyển đổi những khẩu súng bán tự động thành súng tự động có khả năng bắn nhanh (còn gọi là "bump stock"). Ông cho biết đã gặp các lãnh đạo Hiệp hội Súng đạn quốc gia Mỹ (NRA) và nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm tra lý lịch nhằm bảo đảm một người có sức khỏe tâm thần bất ổn không được sở hữu súng.
Trước đó, hôm 23/2, Tổng thống Trump đã công bố ý tưởng về việc xây dựng một dự luật kiểm soát súng đạn nhằm ngăn chặn các vụ xả súng tại học đường, trong đó có quy định không cấp phép sở hữu súng đạn cho những đối tượng dưới 21 tuổi, tăng cường trang bị súng đạn cho các nhân viên an ninh và giáo viên tại các trường học của Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định NRA và Quốc hội Mỹ sẽ đồng ý với kế hoạch của ông.
Tuy nhiên, trái với nhận định của Tổng thống Mỹ, Hiệp hội Súng trường Mỹ hôm 25/2 tuyên bố, tổ chức này không ủng hộ bất cứ lệnh cấm súng đạn nào ở Mỹ.
Phát biểu trước báo giới ngày 25/2, người phát ngôn Hiệp hội Súng trường Mỹ Dana Loesch tuyên bố, những vụ thảm sát như tại Florida không phải là lỗi của tổ chức này. Trách nhiệm thuộc về lực lượng thực thi pháp luật địa phương và sự thiếu hành động của các nhà chính trị.
Trong khi đó, theo khảo sát của CNN, cứ 10 người ở Mỹ thì có 7 người ủng hộ việc siết chặt kiểm soát súng.
Chưa bao giờ tỷ lệ ủng hộ này lại cao đến vậy kể từ khi CNN thực hiện khảo sát từ năm 1993 đến nay. Cuộc khảo sát mới này được thực hiện sau vụ xả súng ngày 14/2.
70% ủng hộ siết chặt luật súng đạn, tăng từ mức 52% trong cuộc khảo sát hồi tháng 10/2017, sau vụ xả súng ở Las Vegas khiến 58 người thiệt mạng. Gần 2/3 số người được khảo sát cho rằng, chính phủ và xã hội có thể hành động để ngăn các vụ xả súng.
Kể từ sau vụ xả súng ở trường tiểu học ở thành phố Newtown, bang Connecticut hồi năm 2012, vấn đề kiểm soát súng đạn đã được đặt ra, song cho đến nay vẫn chưa có bất cứ dự luật nào chính thức ra đời.
Ít súng đạn thì tỷ lệ người chết vì súng ít hơn
Ngày 21/2, Tổng thống Trump có dịp gặp gỡ một nhóm học sinh, giáo viên và phụ huynh thảo luận về vụ xả súng trường học mới nhất tại Parkland, bang Florida cũng như tình trạng xả súng tràn lan trong suốt lịch sử nước Mỹ.
Khi đề cập đến giải pháp, Tổng thống Trump hỏi các vị khách một câu: “Có ai nghĩ ra bất kỳ sáng kiến gì để ngăn chặn điều đó”.
Nổi bật trong số đó là câu trả lời của học sinh Sam Zeif, 18 tuổi, người sống sót trong vụ xả súng Parkland. Em cho rằng duy nhất có biện pháp thắt chặt hơn luật sở hữu và sử dụng súng đạn là có tác dụng trong việc ngăn chặn các vụ xả súng ở Mỹ.
Các nghiên cứu chỉ ra những quốc gia nào sở hữu ít súng đạn hơn thì có tỷ lệ hành vi giết người cũng thấp hơn. Đơn giản, những quốc gia nào mà luật pháp hạn chế việc sở hữu súng đạn thì có tỷ lệ người chết vì súng ít hơn.
Tất nhiên, xả súng có xảy ra ở những nước đó nhưng không giống Mỹ, đội ngũ lập pháp các nước này đều có phản ứng ngay, bằng cách thay đổi luật súng đạn nhằm ngăn chặn chuyện xấu tiếp diễn.
Tại Đức, sau vụ xả súng đau lòng Erfurt năm 2002, khi một học sinh 19 tuổi dùng súng giết 17 người khác trong trường học, chính phủ nước này năm 2008 đã chính thức ra lệnh cấm súng tự động và súng bán tự động (với trường hợp ngoại lệ súng phục vụ cho săn bắn hoặc thể thao, cần phải có giấy phép).
Hay năm 1996, chỉ mất có 12 ngày sau một vụ xả súng ở Australia, chính quyền nước này đã thông qua Luật Vũ khí quốc gia quy định cấm sở hữu và sử dụng các loại vũ khí tự động và bán tự động cho “mục đích tự vệ cá nhân”. Chính phủ thành lập một chương trình tạm thời mua lại súng, tăng cường kiểm tra sơ yếu lý lịch người sở hữu súng đạn. Kể từ đó, chưa hề xảy ra bất kỳ vụ xả súng trong trường học tại quốc gia này.