Hãng tin Anh Reuters dẫn nguồn tin riêng cho biết, thỏa thuận hiện đang được đàm phán giữa Hoa Kỳ và Iran chính là dựa trên bản chất của thỏa thuận hạt nhân ban đầu năm 201, cái thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy bỏ vào năm 2018 trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Ấn phẩm lưu ý rằng, với việc xây dựng thỏa thuận mới trên nền tảng “thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử” như chính mình đã từng tuyên bố, về cơ bản, ông Trump đã từ bỏ kế hoạch phá hủy chương trình hạt nhân của Iran.
Reuters nhấn mạnh rằng, những lợi thế rõ ràng của thỏa thuận mới đang được thảo luận giữa Hoa Kỳ và Iran là nó sẽ kéo dài hơn, kiểm soát tốt hơn và mở rộng “điều khoản chấm dứt” của thỏa thuận trước đó, nhưng mục đích của nó không phải là xóa bỏ chương trình hạt nhân của Iran.
Cung cấp thông tin chi tiết về dự thảo thỏa thuận, ấn phẩm lưu ý rằng, Iran sẽ hạn chế tích trữ uranium làm giàu và số lượng máy ly tâm mà nước này chế tạo, đồng thời sẽ hạ cấp, xuất khẩu hoặc chôn uranium làm giàu tới 60% dưới sự kiểm soát “chặt chẽ chưa từng có” của IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế).
Đổi lại, chính quyền Washington cam kết “nới lỏng đáng kể” các lệnh trừng phạt đã áp đặt đối với Tehran.
Theo ấn phẩm này, một trong những vấn đề chính là xác định năng lực làm giàu uranium mà Iran được phép có theo thỏa thuận.
Theo thông tin mà ấn phẩm Anh có được, các cuộc đàm phán hiện đang tập trung vào khả năng hạn chế mức độ làm giàu uranium của Iran ở mức 3,67%, tương tự như thỏa thuận hạt nhân 2015.
Chúng ta hãy nhớ lại rằng trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gửi một bức thư tới lãnh tụ tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, đe dọa Tehran sẽ hứng chịu “những vụ đánh bom khủng khiếp” nếu giới lãnh đạo nước Cộng hòa Hồi giáo này không ký kết “thỏa thuận hạt nhân” với Washington trước ngày 01 tháng 5 năm nay.
Sau đó, nhiều vòng đàm phán gián tiếp đã diễn ra giữa các bên, nhưng không mang lại kết quả cụ thể nào, vì theo như truyền thông phương Tây đưa tin, Iran không chấp nhận giọng điệu ra tối hậu thư của Washington, trong khi chính quyền Washington cũng chưa sẵn sàng xuống thang.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc cả 2 bên ký thỏa thuận chỉ là vấn đề thời gian, bởi Trump đã chấp nhận “tái khởi động” thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 là thể hiện ông đã khao khát đạt được một thành tựu lớn trong năm đầu tiên cầm quyền thì Tehran cũng không có lí do gì để bác bỏ thỏa thuận mà chính mình đã chấp nhận được và ký kết vào năm 2015.
Do đó, cả 2 bên đều cần thời gian để từ từ xuống thang cho đỡ mất mặt và rồi thỏa thuận mới sẽ được ký kết trong sự hoan hỉ của cả 2 bên.