RT ngày 17/12 đưa tin, 1.600 xe tăng của Mỹ đã bắt đầu được chuyển đến tổ hợp gồm 6 nhà kho nằm ở làng Eygelshoven, phía đông nam Hà Lan, gần biên giới Bỉ và Đức.
Eygelshoven là khu vực Mỹ hoạt động trong những năm 1985, nơi đây tiến hành các cuộc diễn tập đề phòng các cuộc tấn công bất ngờ từ Liên Xô cũ.
xe tăng M1 Abrams của Mỹ tham gia trận diễn tập quân sự mang tên Saber Strike cùng với các đồng minh NATO.
Hãng tin của Nga cũng nói thêm, việc điều động những chiếc tăng Abrams, xe chiến đấu Bradley và pháo Paladin là một phần trong chương trình quân sự trị giá 3,4 tỉ USD được Quốc hội Mỹ thông qua nhằm tăng cường khả năng phòng vệ quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu.
Ngoài ra, Mỹ cũng dữ kiến sẽ mở thêm những điểm tập kết vũ khí tại một số quốc gia thành viên NATO như Bỉ, Đức và Ba Lan.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Tom Middendorp, những hoạt động quân sự trên nhằm gửi thông điệp cứng rắn đến Nga rằng NATO sẽ không chấp nhận nếu bị uy hiếp lãnh thổ.
“Khi đến thăm các nước Baltic, đặc biệt khu vực gần biên giới Nga, bầu không khí ở đây thực sự căng thẳng. Những hoạt động quân sự của Nga không chỉ là mối quan tâm cho các đồng minh của chúng tôi mà họ là mối quan tâm của tất cả chúng ta. Chúng tôi đã triển khai các bước để bảo vệ liên minh. Chúng tôi đang phát đi thông điệp rõ ràng với Nga rằng, chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ sự vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của NATO”, ông Middendorp nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz cho hay, khoảng 4.000 binh sĩ Mỹ cũng sẽ được triển khai đến thị trấn Zagan của nước này vào tháng 1/2017. Tháng trước, quân đội Mỹ đã chuyển hơn 600 container đạn dược tới Đức.
Thời gian gần đây, NATO cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn tại Đông Âu. Diễn tập gần đây nhất mang tên Iron Sword diễn ra tại Lithuania, với sự tham gia của khoảng 4.000 binh sĩ từ 11 quốc gia thành viên.
Về phía Moscow, nước này thường xuyên cảnh báo hành động gây hấn của NATO gần lãnh thổ có thể gây mất ổn định an ninh trong khu vực. Để đáp trả, Nga và đồng minh Belarus đã trang bị các hệ thống vũ khí tối tân cho các đơn vị đóng tại biên giới phía tây cũng như tiến hành các quốc tập trận quân sự quy mô lớn.
“Những hoạt động khiêu khích có hệ thống của NATO đã làm thay đổi bản chất an ninh quân sự tại khu vực giáp biên giới với Nga”, Aleksandr Grushko, đại diện thường trực của Nga tại NATO nói trên Rossiya-24.
Đây là khoảng thời gian “nhạy cảm” trong mối quan hệ Nga – Mỹ. Trong khi chính phủ của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama càng về cuối nhiệm kỳ càng tỏ ra cứng rắn với Nga, Tổng thống đắc cử Donald Trump lại phát đi những tín hiệu mềm mỏng hơn với Nga và hoài nghi về NATO.