Do đó quyết định cắt tài trợ cho WHO của Tổng thống Trump hôm 14/4 sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động của cơ quan đang điều phối việc chống đại dịch Covid-19.
Sứ mệnh của WHO
WHO được thành lập năm 1948 là một cơ quan đặc biệt của Liên Hợp Quốc chuyên điều phối các vấn đề y tế quốc tế với sứ mệnh “giúp tất cả mọi người trên thế giới đạt được mức độ khỏe mạnh tốt nhất có thể”. WHO thực thi sứ mệnh thông qua các hoạt động như hỗ trợ kỹ thuật cho các nước thành viên, xác lập các tiêu chuẩn y tế quốc tế và điều phối các biện pháp chung cho những tình huống y tế khẩn cấp như sự bùng phát của dịch bệnh.
Một vai trò quan trọng khác của WHO là thu thập số liệu để công bố bản Báo cáo Y tế Thế giới thường niên, trong đó cung cấp đánh giá chuyên môn về các chủ đề y tế toàn cầu và thống kê y tế tại tất cả các quốc gia. Tổ chức này hàng năm cũng triệu tập và điều hành các diễn đàn quốc tế để thảo luận các vấn đề về y tế chung.
Ngoài trụ sở chính tại Geneva, WHO có 6 chi nhánh khu vực và mạng lưới 150 văn phòng đại diện tại các nước. Cơ quan điều hành tối cao của tổ chức này là Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) nhóm họp thường niên vào tháng 5. Cứ 5 năm WHA lại bỏ phiếu bổ nhiệm một Tổng Giám đốc để điều hành WHO, vị trí hiện do ông Tedros Adhanom Ghebreyesu người Ethiopia nắm giữ từ tháng 7/2017.
Ngân sách hoạt động của WHO dựa vào hai nguồn thu chính là sự đóng góp theo định mức của các nước thành viên (tính trên dân số và GDP) và sự đóng góp tự nguyện từ các quỹ quốc gia, tổ chức tư nhân và cá nhân hảo tâm. Nước Mỹ từ lâu là một thành viên tích cực của WHO, liên tục có đóng góp lớn nhất thế giới cho tổ chức này tính cả trên hình thức định mức lẫn tự nguyện.
Mức đóng góp tài chính của Mỹ cho WHO cũng liên tục tăng theo từng năm. Năm 2012, Mỹ dẫn đầu các nước khi tài trợ tổng số tiền 332 triệu USD (trong đó theo định mức là 109 triệu USD và tự nguyện là 222 triệu USD). Năm 2017, số tiền này tăng lên 513 triệu USD (theo định mức là 111 triệu USD và tự nguyện là 401 triệu USD). Tới năm 2020, số tiền đóng góp của Mỹ cho WHO có giảm nhưng vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới với hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 10% ngân sách hoạt động 4,4 tỷ USD của WHO.
Đúng vào thời điểm WHO bận rộn nhất với đại dịch Covid-19 đang bùng phát với quy mô chưa từng có trên toàn cầu làm hơn 2 triệu người nhiễm và hơn 134.000 người chết, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14/4 tuyên bố cắt viện trợ cho tổ chức này. Người đứng đầu nước Mỹ tuyên bố lý do của quyết định là vì WHO đã “xử lý thất bại và che đậy sự lây lan của dịch Covid-19”.
WHO sẽ bị ảnh hưởng thế nào?
Tuy nhiên, dù việc cắt tài trợ của Mỹ cho WHO ảnh hưởng không nhỏ đến ngân sách hoạt động nhưng không đủ để gây ra tác động một cách toàn diện vì WHO còn nhiều nguồn thu khác nhau. Trong những thập kỷ trước đây, nguồn thu ngân sách của WHO chủ yếu đến từ các khoản đóng góp theo định mức của các nước, nhưng theo thời gian thì hiện nay nguồn tài trợ tự nguyện đang giữ vai trò áp đảo.
Ví dụ trong cơ cấu ngân sách hoạt động 5,1 tỷ USD của WHO giai đoạn 2016 - 2017 thì nguồn đóng góp theo định mức của các nước thành viên chỉ chiếm 18% (tương đương 927 triệu USD), trong khi nguồn đóng góp tự nguyện chiếm tới 80% (tương đương 4,1 tỷ USD). Con số 2% còn lại (tương đương 96 triệu USD) đến từ các nguồn thu khác của WHO.
Việc Mỹ cắt tài trợ khiến WHO mất đi khoảng 10% ngân sách hoạt động giai đoạn 2019 - 2020 nhưng không quá khó để tổ chức này tìm cách khắc phục. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Chúng tôi lấy làm tiếc vì quyết định của Tổng thống Mỹ. WHO đang đánh giá các tác động của việc Mỹ rút tài trợ và sẽ làm việc với các đối tác để bù đắp vào sự thiếu hụt tài chính và bảo đảm công việc của chúng tôi không bị gián đoạn”.
Trong khi đó, WHO hiện có sự ủng hộ của nhiều nhà tài trợ rất lớn, ví dụ Quỹ Bill & Melinda Gates của tỷ phú Bill Gates đóng góp tới 531 triệu USD cho tổ chức này trong giai đoạn 2018 - 2019, lớn hơn cả phần đóng góp của nước Mỹ. Tuy vậy, quyết định của Tổng thống Donald Trump đã khoét sâu thêm vào những thách thức và làn sóng chỉ trích mà WHO đang gặp phải trong quá trình ứng phó với đại dịch Covid-19 hiện nay.
Bối cảnh này cộng với những thách thức mà WHO phải đối mặt từ trước đó như bộ máy hoạt động quan liêu và thường bị đánh giá là phản ứng kém trong các tình huống y tế khẩn cấp đã dẫn đến những sức ép phải tiến hành cải cách bên trong WHO. Quyết định cắt tài trợ của Mỹ không thể làm gián đoạn hoạt động của WHO, nhất là trong giai đoạn đại dịch đang căng thẳng hiện nay, nhưng đây có thể là một cú hích lớn buộc WHO phải đẩy nhanh sự thay đổi để thích nghi với tình hình mới.