Energomash là một trong những tập đoàn sản xuất động cơ tên lửa hàng đầu thế giới. Theo ông Vladimir Solntsev- giám đốc điều hành của Energomash, Chính phủ Nga đã cấp tất cả những giấy phép cần thiết để họ tiến hành thương vụ này.
Ông cho biết: “Chúng tôi đã cam kết giao 60 động cơ tên lửa và hợp đồng được ký chia làm 3 đợt, mỗi đợt chúng tôi sẽ giao 20 động cơ và hiện chúng tôi đang xúc tiến thực hiện đợt đầu tiên. Hai động cơ tên lửa đầu tiên sẽ được giao vào tháng 6 tới”.
Hợp đồng này không chỉ bao gồm giá sản xuất động cơ mà còn bao trọn toàn bộ dịch vụ, kể cả việc huấn luyện bay, lắp đặt động cơ tên lửa và tiến hành thử nghiệm. Những động cơ này sẽ được sử dụng cho tên lửa đẩy Antares do Orbital Sciences của Mỹ sản xuất.
Lâu nay Mỹ vẫn phải dựa vào những động cơ tên lửa RD-180 và NK-33 của Nga để phóng những vệ tinh dân dụng vào không gian và cả tên lửa quân sự. Tuy nhiên, ông Solntsev cũng giải thích rằng tên lửa RD-181 không thể được sử dụng để khởi động những tàu vũ trụ quân sự. “Hợp đồng có điều khoản hạn chế việc dùng động cơ RD-181 cho những chương trình quân sự”.
Các chuyên gia ước tính rằng Mỹ sẽ phải chi đến 3 tỉ USD nếu muốn tự mình sản xuất động cơ cho tên lửa đẩy không người lái Antares và quá trình đó có thể phải mất đến 10 năm mà không đảm bảo thành công. Đó là lý do Mỹ vẫn phải phụ thuộc vào động cơ của Nga để phát triển các chương trình tên lửa của mình.
Theo một số nguồn tin, Energomash có kế hoạch tiếp tục hợp tác với Orbital Sciences của Mỹ trong vòng 15 đến 20 năm tới. Cả 2 phía đều nói rằng những bất đồng giữa Moscow và Washington liên quan đến khủng hoảng Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến thương vụ làm ăn giữa họ.
Quyết định mua RD-181 của công ty Mỹ được đưa ra sau khi xảy ra một vụ trục trặc động cơ và một vụ nổ trong quá trình phóng tên lửa Antares hồi tháng 10 năm ngoái. Kể từ đó công ty này đã ngưng tất cả kế hoạch phóng tên lửa và vẫn đang vật lộn để tìm động cơ thay thế.
Phó chủ tịch kế hoạch chiến lược không gian của Công ty Orbital - ông Mark Pieczynski - đã phát biểu với tờ Aviation Week hồi tháng 12 rằng việc dựa vào RD-181 và những động cơ tương tự là sự lựa chọn tốt nhất của họ.
Hải quân Mỹ sắm “khinh hạm tốc độ cao”, Nga trang bị Uran-6 cho công binh
Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus ngày 16-1 cho biết hải quân nước này sẽ được trang bị loại tàu chiến mới gọi là “khinh hạm tốc độ cao” (FF), phiên bản được thiết kế với khả năng trang bị nhiều vũ khí hơn để bảo vệ các tàu hải quân khác.
Trong khi đó, Chỉ huy lực lượng Công binh Quân khu Nam của Nga - ông Konstantin Smeshko - cho hay 2 hệ thống robot phát hiện và phá hủy bom mìn (Uran-6) đầu tiên đầu tiên sẽ được trang bị cho đơn vị công binh Quân khu Nam vào tháng 2 sau khi được thử nghiệm thành công tại vùng cao nguyên Kavkaz.