Gần đây có thông tin Hoa Kỳ đang rút các hệ thống tên lửa Patriot khỏi Hàn Quốc và triển khai lại tới Trung Đông do nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ các căn cứ của họ trong khu vực khỏi những cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo tiềm tàng.
Số lượng chính xác khẩu đội Patriot nằm trong diện di dời không được báo cáo vào thời điểm đó, nhưng nhìn chung là Lữ đoàn Phòng không số 35 - đơn vị được triển khai tại Hàn Quốc và có 2 tiểu đoàn hệ thống tên lửa phòng không Patriot sẽ chịu trách nhiệm tái triển khai.
Và sau đó báo chí phát hiện ra rằng để di chuyển một tiểu đoàn hệ thống tên lửa phòng không Patriot, cần phải thực hiện tổng cộng 73 chuyến bay bằng vận tải cơ hạng nặng C-17, như người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã phát biểu trên tờ The War Zone (TWZ).
Họ nhấn mạnh rằng trên thực tế, đây chỉ là một ví dụ minh họa về mức độ phức tạp của hoạt động hậu cần trong một "cuộc xung đột lớn" có thể xảy ra, đặc biệt là khi xét đến tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phức tạp.
Điển hình như có những vấn đề đáng kể liên quan đến tình trạng thiếu máy bay tiếp dầu, một lần nữa được nhấn mạnh bởi người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc Samuel J. Paparo Jr.
"Chúng ta cần phải có số lượng lớn nhiên liệu trên không cho mọi khả năng. Và đó là lý do tại sao đội máy bay tiếp dầu của chúng ta không đáp ứng được nhu cầu hiện nay", vị chỉ huy lưu ý.
Ông Paparo Jr. cũng quan ngại về những vấn đề trong vận tải biển, vì hiện tại lực lượng hậu cần chiến đấu chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu thực tế. "Trong lúc tôi đang nói, 17 tàu hậu cần chiến đấu đang không hoạt động được do thiếu nhân lực", vị đô đốc lưu ý.
Như ấn phẩm TWZ nhấn mạnh, hậu cần ngày nay là một thành phần quan trọng, ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của các hoạt động quân sự và vấn đề cấp bách là đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này, mặc dù vẫn chưa biết liệu Washington có kế hoạch phân bổ kinh phí để giải quyết những vấn đề này hay không.