Một tàu ngầm Nga đóng tại cảng Murmansk. Ảnh: Troy Media |
Tàu ngầm cùng tàu thăm dò Nga đang tích cực hiện diện gần những khu vực có đường cáp biển kết nối thông tin mạng Internet toàn cầu, theo New York Times. Động thái trên khiến các quan chức quân sự, tình báo Mỹ không khỏi lo âu về viễn cảnh Nga tấn công các tuyến cáp này nếu xung đột bùng phát. Washington lo ngại Moscow sẽ nhắm mục tiêu phá hủy các tuyến cáp quang đặt ở những vị trí khó tiếp cận nhất nhằm cản trở việc truyền tải dữ liệu giữa các chính phủ, nền kinh tế.
Tâm lý cảnh giác
Dù chưa có bằng chứng cho thấy Moscow đang theo đuổi chiến lược này nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ cùng các cơ quan tình báo Washington vẫn giữ một tâm lý cảnh giác cao độ. Những đánh giá về hoạt động hàng hải ngày càng tăng tiến của Nga đều được coi là thông tin cơ mật, không được phép bàn luận công khai.
Giới quan chức Mỹ rất kín tiếng trước câu hỏi họ đang làm gì để giám sát Nga cũng như sẽ đối phó ra sao trong trường hợp các tuyến cáp biển thực sự bị cắt. Song, nhiều người khẳng định đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Lầu Năm Góc.
"Tôi lúc nào cũng cảm thấy lo lắng trước điều mà người Nga có thể làm", chuẩn đô đốc Frederick J. Roegge, chỉ huy hạm đội tàu ngầm Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, nói nhưng từ chối trả lời thắc mắc liên quan đến khả năng Moscow tấn công cáp biển.
Tuy nhiên, trong những cuộc trao đổi hậu trường, vấn đề trên lại được chia sẻ khá thẳng thắn. Một số quan chức tình báo Washington cho hay hoạt động của Nga dọc các tuyến cáp ngầm từ khu vực Biển Bắc cho đến Đông Nam Á, thậm chí ở những vùng nước gần bờ biển Mỹ, đều đang gia tăng nhanh chóng, đe dọa đến an toàn của hệ thống thông tin điện tử và thương mại toàn cầu.
Tháng trước, tàu nghiên cứu Yantar của Nga, trang bị hai tàu lặn tự hành, bơi rất sát một đường cáp quang biển nằm gần căn cứ hải quân vịnh Guantanamo của Mỹ. Hai phương tiện mà tàu Yantar mang theo được cho là có khả năng cắt cáp ở độ sâu khoảng vài km.
"Cường độ của các hoạt động này ngang ngửa thời kỳ Chiến tranh Lạnh", một nhà ngoại giao châu Âu nhận xét.
Na Uy, đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vì quá lo lắng cũng đã phải đề nghị các nước láng giềng hỗ trợ công tác giám sát tàu ngầm Nga.
"Nguy cơ ở đây là bất kỳ quốc gia nào cũng có thể âm thầm phá hoại hệ thống thông tin liên lạc mà không cần phải điều động những chiến hạm lắp đặt dụng cụ cắt cáp", Michael Sechrist, từng là giám đốc một dự án nghiên cứu do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ, đánh giá.
"Cáp biển vẫn thường xuyên bị đứt do mỏ neo vướng vào hay do thiên tai", ông Sechrist cho hay. Nhưng những sự cố như vậy chỉ xảy ra tại những vùng nước cách bờ biển vài km, đồng thời việc khắc phục cũng rất nhanh chóng.
Điều khiến các nhà hoạch định của Lầu Năm Góc e ngại hơn cả là khả năng nhắm tới những tuyến cáp nằm ở vị trí sâu hơn, nơi mà công tác giám sát cũng như sửa chữa khi hỏng hóc gặp rất nhiều trở ngại.
Theo Sechrist, vị trí của các tuyến cáp biển phổ biến thường được công khai. Dù vậy, có một số đường cáp ngầm đặc biệt do Mỹ triển khai nhằm phục vụ mục đích quân sự hiện vẫn nằm trong vòng bí mật. Nhiều khả năng mục tiêu mà Moscow nhắm đến chính là những tuyến cáp này.
Dấu hiệu của sức mạnh
Tàu ngầm Jimmy Carter của Mỹ. Ảnh: NavSource |
Các đường cáp Internet, đặc biệt là cáp biển, ngày nay có ý nghĩa rất quan trọng. Chúng giúp các giao dịch kinh doanh, thương mại toàn cầu, trị giá tới 10 nghìn tỷ USD mỗi ngày, được thực hiện trơn tru. Một gián đoạn đường truyền nhỏ cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới dòng tiền này. Bên cạnh đó, chúng còn truyền tải tới 95% lượng thông tin liên lạc trên khắp thế giới.
Sự quan tâm dành cho những tuyến cáp biển không phải là một xu thế mới xuất hiện. Tháng 10/1971, tàu ngầm Halibut của Mỹ từng xâm nhập vùng biển Okhotsk phía bắc Nhật Bản, phát hiện một đường cáp viễn thông được các lực lượng hạt nhân Liên Xô sử dụng và từ đó khai thác ra vô số bí mật. Thành công của nó dẫn tới sự bùng nổ của phương pháp tình báo dựa vào việc theo dõi các tín hiệu lưu chuyển trên đường cáp.
Hải quân Mỹ 10 năm sau triển khai tàu ngầm Jimmy Carter hiện đại mà theo các chuyên gia phân tích có khả năng xâm nhập các tuyến cáp biển để nghe lén những thông tin trao đổi qua đó.
Nhưng mặt khác, tàu ngầm không phải là phương tiện duy nhất đang rình rập xung quanh những đường cáp biển, theo NYTimes. Nhà chức trách Mỹ cho rằng các tàu Yantar của Nga thừa sức thực hiện nhiệm vụ do thám này. Tuy nhiên, Moscow khẳng định chúng đơn thuần chỉ là những tàu nghiên cứu hải dương, không liên quan tới hoạt động gián điệp.
Giới quan sát nhận định mối quan ngại của Mỹ về khả năng Nga phá hoại cáp biển là một minh chứng cho thấy quá trình hiện đại hóa hải quân của Moscow đang trở thành tâm điểm gây chú ý.
Theo đô đốc Mark Ferguson, chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ ở châu Âu, trình độ và năng lực của đội tàu ngầm Nga đang phát triển nhanh chóng. Dẫn lời đô đốc Viktor Chirkov, chỉ huy cấp cao thuộc hải quân Nga, ông Ferguson cho hay cường độ các cuộc tuần tra bằng tàu ngầm của Moscow năm nay tăng gần 50% so với năm ngoái.
Nga cũng tăng cường tiến độ hoạt động của các đội tàu ngầm lên mức chưa từng thấy trong một thập kỷ qua. Những căn cứ Bắc Cực đang mọc lên cùng khoản đầu tư 2,4 tỷ USD mở rộng hạm đội Biển Đen đã phản ánh rõ nét quyết tâm của Nga trong công cuộc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng quân sự.
Các nhà phân tích quân sự ở Washington tin rằng Moscow đang chế tạo cả một phương tiện không người lái dưới đáy biển có thể mang theo những vũ khí hạt nhân chiến lược siêu nhỏ dùng trong các nhiệm vụ tấn công bến cảng hay bờ biển.
Ông Ferguson nhấn mạnh, Nga đang hiện thực hóa học thuyết chiến tranh tổng hợp mới bằng cách đẩy mạnh phối hợp sử dụng lực lượng quân đội truyền thống, các đơn vị thực thi nhiệm vụ đặc biệt và cả các loại vũ khí công nghệ cao trên chiến trường thế kỷ 21.
Điều này "đòi hỏi sự tham gia của tất cả các yếu tố từ chiến tranh không gian, chiến tranh mạng đến chiến tranh thông tin và cả chiến tranh tổng hợp nhằm làm tê liệt quá trình ra phán quyết" của đối phương, ông Ferguson nói. "Trên biển, trọng tâm của Nga cũng là làm gián đoạn những chu trình ra quyết định như thế".
Tàu nghiên cứu hải dương Yantar của Nga. Ảnh: RT |